DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 24/10/2013 02:46
Ngày 2210, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường
DIC - Tổ chức chính quyền địa phương là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận tại tổ về “Chính quyền địa phương” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, diễn ra sáng 23/10.
Theo quy định tại Dự thảo Hiến pháp sửa đổi: “Chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của đất nước, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.HĐND, UBND được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định", (Điều 111)…"Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước cấp trên", (Điều 112).Góp ý với quy định này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng: Nếu quy định chính quyền địa phương bao gồm HĐND, UBND là sai với nguyên lý, sai với mô hình tổ chức bộ máy hiện tại. Trên thực tế, chúng ta không tổ chức mô hình chính quyền liên bang nên không thể có chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, quyền lực Nhà nước là thống nhất mà Quốc hội là đại diện. Vì vậy, HĐND, UBND tổ chức ở các đơn vị hành chính, được thành lập để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp của luật định. Nếu sử dụng thuật ngữ “chính quyền địa phương” thì vô hình trung tạo ra tư tưởng phân quyền, cho rằng địa phương muốn làm gì thì làm.Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) thẳng thắn nhận xét: “Đọc chương này nhưng vẫn chưa định hình được chính quyền địa phương là gì. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng chưa rõ. Có thể do chưa có tổng kết thực tiễn nên thể hiện còn lúng túng. Cần có sự đầu tư một cách thích đáng để điều chỉnh thêm để có thể thông qua tại kỳ họp này”.Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) đề nghị cần nói rõ trong tương lai, chỗ nào tổ chức chính quyền địa phương, chỗ nào chỉ cần Ủy ban hành chính. Ngoài ra, một nguyên tắc của chính quyền địa phương là tự chủ tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, nhưng trong Hiến pháp vẫn không mạnh dạn thể hiện điều này, cần bổ sung.Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng đối với chính quyền nông thôn (cấp huyện, xã) thì nên tiếp tục duy trì như hiện nay, nhưng chính quyền địa phương ở đô thị và hải đảo đã có độ chín muồi để sửa đổi.Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc, trong chính quyền địa phương thì có cấp không phải tổ chức chính quyền mà chỉ cần cơ quan đại diện hành chính. “Nếu cấp chính quyền phường không tổ chức HĐND và UBND thì vẫn có cơ chế để bảo đảm cho cơ chế giám sát, dân chủ trên địa bàn. Khi đó, HĐND cùng với UBND của thành phố, thị xã sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát”, ông Phúc nói.Đại biểu Hồ Thanh Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị: Hiến pháp nên quy định cụ thể chính quyền có mấy cấp và chính quyền gồm những cơ quan nào, không nên “để lửng” như trong dự thảo. Bên cạnh đó, cũng nên quy định chính quyền địa phương gồm có UBND và HĐND. Như vậy, cấp chính quyền địa phương nào có UBND thì sẽ có HĐND tương ứng.Bà Thủy băn khoăn: Điều 114 vẫn "bỏ ngỏ" chính quyền địa phương, nơi có HĐND, nơi không. Đến giờ, chúng ta vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như vậy, sau này khi sửa Luật HĐND và UBND trong khi Hiến pháp quy định chung chung thế này sẽ rất là khó.Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta thực hiện thí điểm bỏ HĐND đã có nhiều ý kiến khác nhau, giờ chính quyền địa phương là cơ chế quản lý mới, mạnh, đặc thù, nhiều quyền hơn so với HĐND, sẽ dễ sinh ra sự so sánh, đơn vị nào cũng muốn chuyển thành chính quyền địa phương.Theo chương trình kỳ họp, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại hội trường vào ngày 5/11 tới.