DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 15/10/2013 20:55
Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và yêu cầu ngày càng cao trong lãnh đạo, quản lý, điều hành quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.... Nhưng ở nhiều địa phương trong tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém cả về số lượng, chất lượng và lề lối làm việc.
Nói đến Tủa Chùa ai cũng hiểu, đó là một huyện vùng cao, vùng xa cách trung tâm tỉnh gần 130km. Trong những năm gần đây, nhờ được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, như: xây dựng kết cấu hạ tầng, nhân dân các dân tộc được giúp đỡ về mọi mặt nên kinh tế xã hội có nhiều khởi sắc đáng mừng, đời sống của bà con được nâng lên một bước. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì Tủa Chùa vẫn thuộc diện nghèo nhất trong 63 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm đến gần 70%.Theo số liệu thống kê của Phòng Nội vụ huyện Tủa Chùa, thì hiện nay chất lượng đội ngũ cán bộ công chức ở 11 xã và 1 thị trấn trong toàn huyện còn nhiều hạn chế về trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước; không đạt được mục tiêu so với yêu cầu tiêu chuẩn chung. Tổng số cán bộ chuyên trách cấp xã có gần 270 người. Trong đó trình độ văn hóa là tiểu học gần 20 người, trung học cơ sở hơn 200 người, trình độ chuyên môn chưa qua đào tạo là 50 người, còn lại hầu hết là sơ cấp và trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị thì hầu hết là chưa qua đào tạo. Ngay như xã Mường Báng – một xã cửa ngõ của huyện Tủa Chùa, cùng với thị trấn huyện, đội ngũ cán bộ công chức của xã Mường Báng được coi là có trình độ về mọi mặt nhỉnh hơn so với các xã còn lại trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Nhưng nhìn chung thì vẫn còn nhiều bất cập, như: hầu hết cán bộ chỉ học hết bậc trung học cơ sở; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và kỹ năng quản lý chủ yếu là sơ cấp, trung cấp hoặc chưa qua đào tạo. /uploads/news/2013_10/1_24.jpg Đội ngũ cán bộ cấp xã ở Tủa Chùa còn hạn chế về nhiều mặt. Bà Quàng Thị Hiền, cán bộ văn phòng UBND xã Mường Báng, cho biết: “Là cán bộ văn phòng đã công tác được 3 năm nhưng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong sử dụng máy tính; áp dụng, sử dụng các phần mềm trên máy tính để xử lý công việc của văn phòng xã. Trước đây tôi cũng được tham gia lớp đào tạo tin học, nhưng kiến thức được học không sát với thực tế, thời gian học ngắn…”. Hay như ông Mào Văn Nguyện, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Mường Báng chia sẻ: “Là cán bộ phụ trách công tác lao động – thương binh và xã hội của xã nhưng bản thân tôi chưa được đào tạo về chuyên môn gì cả…”. Bức tranh chung về trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ xã Mường Báng là trình độ văn hóa dưới trung học phổ thông còn nhiều, đáng lưu ý hơn là vẫn còn trình độ tiểu học. Điều đó cho thấy, trình độ của đội ngũ cán bộ ở xã Mường Báng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trình độ học vấn thấp cũng chính là nguyên nhân dẫn đến trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị thấp. Đến Trụ sở xã Xá Nhè, một xã vùng đồng bào Mông, cách trung tâm huyện Tủa Chùa hơn 10km. Qua tìm hiểu trước chúng tôi được biết: Đội ngũ cán bộ xã hầu hết là trình độ văn hóa tiểu học và trung học cơ sở; trình độ chuyện môn, lý luận chính trị và kỹ năng quản lý cơ bản chưa được đào tạo. Chúng tôi có mặt tại trụ sở xã vào lúc gần 14h30 phút, thứ 6, ngày 17 tháng 9 nhưng không có bất cứ một cán bộ xã nào có mặt để làm việc, từ các lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, ủy ban cho đến cán bộ các đoàn thể. /uploads/news/2013_10/2_4.jpg Các phòng, ban của xã Xá Nhè vắng hoe khi phóng viên tới làm việc. Khẳng định một điều rằng: Không thể phủ nhận những công lao của đội ngũ cán bộ xã nói chung ở Tủa Chùa, họ đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển đi lên của huyện vùng cao này. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và yêu cầu ngày càng cao trong lãnh đạo, quản lý, điều hành quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý hành chính, xây dựng nông thôn mới ở cấp xã hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở Tủa Chùa còn bộc lộ những hạn chế, thiếu về số lượng và yếu kém về chất lượng. Đó cũng là thực trạng chung của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã hiện nay ở tỉnh ta. Xã là cấp hành chính cuối cùng trong bốn cấp của hệ thống quản lý hành chính, là cấp thấp nhất theo sự phân cấp quản lý nhưng thấp nhất không đồng nghĩa với ít quan trọng nhất. Do vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ xã là nhiệm vụ rất quan trọng. Đội ngũ cán bộ xã là người giữ vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở cơ sở. Cán bộ xã là cầu nối quan trọng nhất giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng và thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở. Ở Tủa Chùa nói riêng, các huyện, thị khác trong tỉnh ta nói chung, xây dựng một đội ngũ cán bộ xã đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có lập trường chính trị vững vàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương là trách nhiệm của các Huyện uỷ, Thị uỷ, trong đó trước hết là Ban Thường vụ các Huyện uỷ, Thị uỷ và những người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị cấp huyện; tổ chức cơ sở Đảng xã, mà trực tiếp là Ban Thường vụ Đảng uỷ xã, phường, thị trấn. Để nâng cao chất lượng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ xã nói chung, tỉnh cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài. Trước hết cần xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách trước mắt, nhưng cũng là nhiệm vụ lâu dài, không thể nóng vội, chủ quan duy ý chí. Phương hướng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở phải theo hướng toàn diện, cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, đổi mới tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp, thái độ ứng xử đúng mực, văn minh, thực sự là những “công bộc” của dân. Đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Chú ý đối tượng quy hoạch là cán bộ trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, bộ đội xuất ngũ. Cần gắn xây dựng và thực hiện quy hoạch với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo từng chức danh với các hình thức phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh nội dung đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, cần chú ý tăng cường bồi dưỡng kiến thức về quản lý hành chính, pháp luật và các kỹ năng hoạt động. Đẩy mạnh tinh giản bộ máy, số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng chỉ có cán bộ chuyên trách và cán bộ chuyên môn, không bố trí cán bộ không chuyên trách cấp xã; bảo đảm việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã theo đúng quan điểm và định hướng của Đảng.