DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 15/10/2013 04:20
DIC - Luật Quảng cáo với những cải cách đột phá mang lại nhiều thuận lợi cho những người hoạt động trong lĩnh vực này, bảo đảm cơ chế kiểm soát và quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo, kể cả quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đặc biệt trên cơ sở giao cho Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết những vấn đề này.
Tuy nhiên, cho đến nay nghị định này vẫn chưa được thông qua bởi còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau xoay quanh việc có đặt ra yêu cầu thẩm định hay không đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trước khi thực hiện quảng cáo. /uploads/news/2013_10/1_22.jpg Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường nên rõ ràng cần quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo những loại hàng hóa, dịch vụ này. Tuy nhiên, việc quản lý bằng việc cấp phép quảng cáo nói chung cũng như thủ tục thẩm định nội dung quảng cáo nói riêng (cơ chế “tiền kiểm”) trước đây đã không đạt được mục tiêu đặt ra. Bởi vì, thông qua cơ chế này, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể xem xét, đánh giá và “kiểm soát” về mặt hồ sơ, giấy tờ và nội dung, hình thức của sản phẩm quảng cáo theo quy định của pháp luật nhưng không thể kiểm soát được yêu cầu về tính trung thực của hoạt động quảng cáo trong thực tiễn. Trong khi đó, việc quy định thủ tục này lại làm phát sinh TTHC gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động quảng cáo. Không chỉ có thế, thực tế là nội dung quảng cáo được duyệt trong giấy phép nhiều khi còn chứa đựng yếu tố cảm tính của nhà quản lý nên nhiều nội dung quảng cáo tuy đã được duyệt hay cấp phép vẫn không được người tiếp nhận quảng cáo đồng tình. Do đó, quản lý quảng cáo một cách hiệu quả nhất vẫn là quản lý thông qua “hậu kiểm”. Luật đã cải cách theo hướng “hậu kiểm” Với đặc thù của hoạt động quảng cáo, để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động này, quản lý nhà nước về quảng cáo theo Luật Quảng cáo đã được thực hiện thông qua cơ chế “hậu kiểm” thay cho cơ chế “tiền kiểm” trước đây. Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo không phải thực hiện thủ tục cấp phép và nộp lệ phí cấp phép quảng cáo, tuy nhiên vẫn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định của pháp luật quảng cáo gắn với trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo, người tiếp nhận quảng cáo cũng như tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan hữu quan. Đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo sự an toàn tính mạng, sức khỏe con người, Luật Quảng cáo đã quy định những yêu cầu, điều kiện cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ tại khoản 4 Điều 20 (ví dụ: Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn) để trên cơ sở đó, cá nhân, tổ chức thực hiện và phải đáp ứng khi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ này. Đồng thời, Luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 2 Điều 19) và quy định điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác chưa được quy định trong Luật Quảng cáo khi có phát sinh trên thực tế (khoản 5 Điều 20). Như vậy, trước khi thực hiện quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, tùy thuộc vào loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, người quảng cáo phải có đủ các loại giấy tờ liên quan như giấy phép lưu hành, phiếu công bố sản phẩm, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn, giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề … nghĩa là người quảng cáo đã phải đáp ứng đủ những yêu cầu, điều kiện được pháp luật quy định cũng như đã phải thực hiện một số thủ tục hành chính cần thiết nhằm bảo đảm cung cấp những thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm quảng cáo tới công chúng, những người tiếp nhận thông tin quảng cáo. Những yêu cầu, điều kiện đó sẽ được kiểm soát theo cơ chế “hậu kiểm” (thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm…) thông qua các yêu cầu về các nội dung quảng cáo bắt buộc do Chính phủ quy định. Qua đó, Luật Quảng cáo tạo ra một cơ chế kiểm soát và quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo. Về nguyên tắc (Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về Kiểm soát thủ tục hành chính), để quy định một thủ tục hành chính, trước hết phải chứng minh được tính cần thiết của thủ tục đó trong quản lý nhà nước. Vậy thủ tục thẩm định nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt có đáp ứng tính cần thiết hay không? “Trên thực tế, trong quá trình xây dựng và thông qua Luật Quảng cáo, vấn đề bãi bỏ thủ tục thẩm định nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã được Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng vì cho rằng: nếu thêm điều kiện này, vô hình trung các doanh nghiệp quảng cáo phải xin Bộ chuyên ngành cấp giấy phép hai lần với cùng một sản phẩm: Lần một là các loại giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy phép lưu hành sản phẩm... do các Bộ chuyên ngành cấp; lần 2 là xin thẩm định nội dung quảng cáo. Điều này vừa không cần thiết vừa không đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính..."#_ftn1 [1]. Thêm vào đó, thẩm định nội dung quảng cáo lại không thể kiểm soát được nội dung quảng cáo trên thực tiễnvà cũng không đạt được mục tiêu quản lý đặt ra, bởi vậy không đáp ứng tính cần thiết để quản lý các hoạt động quảng cáo. Trong khi đó, quản lý bằng cơ chế “hậu kiểm” thay cho cơ chế “tiền kiểm” trên tinh thần cải cách của Luật Quảng cáo nhằm thực hiện được chủ trương xã hội hóa và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó đáng lưu ý là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phát hành quảng cáo. Do vậy, để quản lý một cách hiệu quả, cần thiết nhất là làm tốt công tác “hậu kiểm” hơn là đặt ra những quy định “tiền kiểm”, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phát hiện được để người đã vi phạm không còn dám tiếp tục vi phạm nữa, người chưa vi phạm cũng lấy đó làm gương mà đừng vi phạm, đảm bảo nội dung quảng cáo khi đến với công chúng phải đúng sự thật, đúng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, mang lại lòng tin cho người tiêu dùng, từ đó sẽ tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp hoạt động chân chính, thúc đẩy kinh tế phát triển. Hiện nay, Thông tư vẫn đang “đòi” tiền kiểm Trong khi Nghị định vẫn chưa được Chính phủ thông qua do có những ý kiến khác nhau cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, ngày 21/12/2012, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 40/2012/TT-BCT quy định cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương và tiếp đó ngày 13/3/2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BYT quy định về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.Việc các Bộ ban hành Thông tư để quy định yêu cầu thẩm định nội dung quảng cáo không những làm phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết, không đúng tinh thần cải cách mà còn trái thẩm quyền đã được quy định trong Luật Quảng cáo, đồng thời trái với nguyên tắc tuân thủ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu tại khoản 2 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 Ngoài ra, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 3 Điều 83 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì khi Luật Quảng cáo có hiệu lực pháp luật (ngày 01/01/2013), các hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo phải tuân thủ quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi thành Luật này. Tại khoản1 Điều 43 Luật An Toàn thực phẩm cũng đã quy định “Việc quảng cáo thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo”. Do đó, liên quan đến những nội dung quy định này, việc lấy căn cứ pháp lý để ban hành các Thông tư trên là không phù hợp. Do vậy, xét về nội dung, thẩm quyền và căn cứ pháp lý ban hành, Thông tư số 40/2012/TT-BCT của Bộ Công thương và Thông tư số 08/2013/TT-BYT của Bộ Y tếđều không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hợp pháp của việc xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Về việc này, các Bộ cần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có hướng xử lý tập trung, thống nhất tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện và tuân thủ theo pháp luật. Để Luật Quảng cáo thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo cũng như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo để tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho việc quản lý thống nhất, đồng bộ các hoạt động quảng cáo trên phạm vi cả nước, đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của người dân, doanh nghiệp. Ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: "... Nếu đưa quy định thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt vào dự thảo Nghị định là không đúng tinh thần và lời văn của Luật Quảng cáo” (Tại Công văn số 652/UBVHGDTTN13 ngày 07/12/2012 về việc cho ý kiến về việc áp dụng cơ chế thẩm định nội dung quảng cáo) “... Các Bộ liên quan báo cáo Chính phủ có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất trong việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về quảng cáo, đặc biệt là trong khi Chính phủ đang tập trung vào việc xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo để thay thế cho các quy định không còn phù hợp” (Tại Công văn số 761/UBVHGDTTN13 ngày 11/04/2013 về việc Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về quảng cáo).