DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 03/10/2014 18:02
Vụ cháy nhà sàn tại tổ dân phố 11, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ (30/4/2014) được xác định nguyên nhân ban đầu là do chập điện. Ảnh: Vũ Lợi
ĐBP - Để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra, thì yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là mỗi người dân tự ý thức, cảnh giác cao độ với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thực tế chứng minh, mỗi khi xảy ra cháy nổ, cho dù lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có cơ động đến đâu, ứng phó nhanh nhạy đến mức độ nào thì thiệt hại về tài sản là khó tránh khỏi. Với những vụ cháy đơn giản: cháy nhà dân, cháy cửa hàng, cháy rừng... việc ứng cứu có thể đơn giản hơn, còn cháy xưởng sản xuất, kho chứa xăng dầu, sơn, gas, những vật liệu dễ cháy, tính chất bắt lửa cao thì thiệt hại khó mà đoán định trước.
Hai vụ cháy lớn trong năm 2014 tại TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên cho thấy, mặc dù lực lượng PCCC chuyên nghiệp và người dân đã nỗ lực hết mình, huy động mọi phương tiện chữa cháy chuyên dụng nhất đang có để dập lửa, nhưng vẫn làm tiêu tan hơn 1 tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy nói trên được xác định là do ý thức sử dụng lửa, bố trí mạng điện bất cẩn, chưa hợp lý của chính người nhà. Là khu sản xuất, nhưng Ga ra ô tô Thái Hạnh để nhiều vật liệu dễ cháy: sơn, xăng để pha sơn... tại nơi dễ bắt lửa. Khi đám cháy xảy ra, lập tức bùng phát trên diện rộng, làm người nhà không kịp trở tay, công nhân thì bỏ chạy toán loạn, dân tình sống xung quanh một phen hú vía. Vụ cháy nhà sàn ở huyện Điện Biên mới dữ dội. Chỉ trong thời gian ngắn, ngọn lửa bùng phát cao vút ngọn tre, thiêu rụi toàn bộ tài sản có trong nhà, đe dọa cả “láng giềng gần”. Thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2014 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy trong khu vực dân sự (tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2013), thiệt hại về kinh tế trên 1,1 tỷ đồng. Kinh tế - xã hội phát triển, số cơ quan, đơn vị và nhà dân sử dụng các thiết bị: điện, gas, xăng dầu... trong công việc, sinh hoạt ngày càng nhiều thì nguy cơ cháy nổ càng cao. Không những thế, số hộ tham gia kinh doanh, buôn bán xăng dầu nhỏ lẻ, kèm theo bán hàng tạp hóa, trong khi kiến thức về PCCC chưa được trang bị, cập nhật, phổ biến thường xuyên, sẽ là nguy cơ gây mất an toàn trong PCCC. Người xưa có câu “nhất thủy, nhì hỏa” để nói về mối nguy hại của 2 thứ “giặc” này. Mỗi khi “giặc hỏa” xuất hiện, dù ít, dù nhiều đều “nướng” đi tài sản của người dân, cơ quan Nhà nước. Do vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân phải nâng cao ý thức PCCC. Phải xem công tác PCCC là trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội chứ không riêng của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Cháy nổ luôn rình rập, nhưng nếu chúng ta biết cách phòng tránh thì không đáng lo ngại. Với mỗi người dân, gia đình cần dành thời gian nghiên cứu tài liệu để bổ sung kiến thức PCCC. Mỗi khi cháy nổ xảy ra phải biết cách chữa cháy hiệu quả; thoát hiểm an toàn. Đã có nhiều trường hợp người dân chết ngạt do khói, do hít phải khí độc thoát ra từ các đám cháy, mà nguyên nhân là không biết cách phòng tránh, thoát hiểm đúng quy cách. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh, buôn bán ở các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... nơi dễ xảy ra cháy nổ, để kịp thời nhắc nhở người dân, hộ thương nhân chủ động đối phó với cháy nổ. Được biết, hiện nay tình trạng người dân kinh doanh hàng hóa mà không chấp hành quy định về PCCC rất nhiều. Không chỉ ở khu vực T.P Điện Biên Phủ mà như ở xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), nhiều gia đình kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ, không an toàn diễn ra nhiều năm nay. Với những nơi xa trung tâm thành phố, xa lực lượng PCCC chuyên nghiệp, nếu khi xảy ra cháy nổ thì thiệt hại về người và tài sản rất khó lường.