DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 08/10/2014 17:19
Đồng chí Nguyễn Vân Chương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành gặp mặt các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Điện Biên Phủ trong ngày lễ. Ảnh: P.V
ĐBP - Năm 1964 Báo Lai Châu chính thức đi vào hoạt động, tờ báo số 1 ra mắt bạn đọc đánh dấu mốc lịch sử cho sự phát triển báo chí tỉnh Lai Châu, nay là tỉnh Điện Biên. Ra đời trong điều kiện hết sức khó khăn, tỉnh mới tái lập năm 1963, cán bộ làm báo được điều động từ các ban, ngành sang mà chưa qua đào tạo, nên những năm đầu phát hành, Báo Điện Biên Phủ (trước là Báo Lai Châu) chỉ xuất bản mỗi tuần 1 kỳ, khổ nhỏ, 4 trang in tipo, số lượng phát hành rất ít (chỉ từ 200-300 bản/kỳ).
Ngày đầu thành lập, Toà soạn chỉ có 3 cán bộ; phương tiện phục vụ hoạt động nghiệp vụ hầu như chưa có gì, nhưng báo vẫn phát hành đều kỳ, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhiều bài báo sắc sảo, bám sát các sự kiện và nắm bắt được hơi thở cuộc sống. Đặc biệt trong những năm 1964-1969, trên Báo Lai Châu đăng nhiều bài nêu gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, được Bác Hồ khen ngợi và nêu gương. Những năm thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước, Báo Lai Châu trưởng thành về mọi mặt. Phóng viên được tăng cường; phương tiện phục vụ nghiệp vụ được quan tâm đầu tư. Nội dung, hình thức của tờ báo có nhiều đổi mới; các chuyên mục, chuyên trang duy trì đều hơn. Bên cạnh những bài tuyên truyền, cổ vũ điển hình tiên tiến, trên báo nhiều bài có tính chiến đấu cao, phê phán các tiêu cực trong xã hội, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong cuộc chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ cuối những năm 60 là những ngày khó khăn nhất, vừa xuất bản báo vừa phải di chuyển để bảo đảm an toàn, song phóng viên luôn có mặt trên các trận địa, thông tin kịp thời tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cùng với sự đổi mới của hệ thống báo chí cả nước, những năm đầu của thập kỷ 90, Báo Lai Châu đã có sự đổi mới nhiều mặt. Năm 1994 nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bộ Văn hoá – Thông tin, Báo Lai Châu được đổi tên thành Báo Điện Biên Phủ - một địa danh chứng kiến sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Từ đây, một thời kỳ mới chính thức được bắt đầu. Tờ báo đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới với những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1994 Báo chỉ có 4 trang với số lượng phát hành dưới nghìn bản/kỳ, thì đến năm 1997, Báo đã xây dựng được nhiều hơn các trang chuyên đề, chuyên mục với những nội dung thiết thực phục vụ cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt của bà con các dân tộc trong tỉnh. Các trang báo cũng dày dặn hơn, nội dung, hình thức hấp dẫn hơn, từng bước vươn lên ngang tầm với báo chí trong cả nước. Dáng dấp của một tờ báo hiện đại đã dần được hình thành nhờchính nỗ lực vượt khó của cán bộ, phóng viên, biên tập viên giàu kinh nghiệm và chịu khó học hỏi, cùng với sự giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhất là sự ủng hộ, đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Ngoài tờ báo Điện Biên Phủ thời sự phát hành tuần 2 kỳ, từ năm 1997 Báo Điện Biên Phủ chính thức phát hành thêm một ấn phẩm mới phục vụ nhu cầu đọc, văn hóa đọc của độc giả vùng cao, đó chính là ấn phẩm Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao. Ấn phẩm này sử dụng nhiều hình ảnh, thông qua hình ảnh truyền tải nội dung thông tin đến bạn đọc chủ yếu là gương người tốt – việc tốt, phong tục tập quán, nếp sống văn minh và cả nét sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Một kỳ/tháng, ngay từ khi mới phát hành Báo Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao được đông đảo bà con dân tộc vùng cao đón nhận, họ nâng niu, trân trọng như những món ăn tinh thần vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống. Đặc biệt là thời kỳ mà sóng phát thanh truyền hình chưa phủ sóng mọi nơi thì ấn phẩm Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao đã là người bạn thân thiết, góp phần quan trọng mở mang dân trí, cung cấp kiến thức về kinh tế, văn hóa... cho bà con các dân tộc trong tỉnh.Từ 1/1/2004, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Báo Điện Biên Phủ đã chuyển 1/3 cán bộ, phóng viên về Báo Lai Châu; Báo Điện Biên Phủ còn 16 người, đảm đương nhiệm vụ chính trị khá nặng nề. Song nhờ sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể cán bộ, phóng viên trong tòa soạn cũng như sự nỗ lực của từng cá nhân, Báo vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến ngày 3/2/2004, Báo Điện Biên Phủ điện tử chính thức ra mắt bạn đọc trong nước, quốc tế; mở rộng tầm ảnh hưởng của tờ báo Đảng địa phương và vị thế của tờ báo trên phạm vi rộng lớn hơn. Trên đà phát triển với nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương, từ tháng 6/2004, Báo đã tăng kỳ phát hành lên 3 kỳ/tuần ra vào các ngày thứ 2, 4, 6 hằng tuần (trước 2 kỳ ra vào thứ 3, thứ 5 hằng tuần); đổi khổ từ 30cm x 40cm lên khổ 42cm x 57cm và số lượng phát hành tăng dần. Từ tháng 10/2004 Báo xuất bản thêm một ấn phẩm mới là Điện Biên Phủ cuối tháng. Như vậy, đến thời điểm này Báo Điện Biên Phủ đã phát hành 4 ấn phẩm: Báo Điện Biên Phủ thời sự; Điện Biên Phủ điện tử; Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao và Báo Điện Biên Phủ cuối tuần (ấn phẩm Điện Biên Phủ cuối tháng sau 2 lần nâng kỳ phát hành). Tuy khối lượng công việc nặng nề hơn, nhưng mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động trong cơ quan báo luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao; xây dựng Báo Điện Biên Phủ ngày càng phát triển toàn diện. Suốt thời gian qua mà đặc biệt từ khi chia tách tỉnh đến nay, Báo Điện Biên Phủ đã có sự chuyển biến nhiều mặt. Phát huy truyền thống của các thế hệ nhà báo đi trước, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo Điện Biên Phủ hôm nay đã xác định rõ ràng: Làm báo là nghề đặc biệt, mang tính chính trị xã hội rất sâu sắc, có tính định hướng, đòi hỏi năng lực, trình độ, khả năng tư duy, phương pháp nghiệp vụ phải ngày một cao thì mới tồn tại và sống được với nghề nhất là trước cuộc sống sôi động, nhiều chiều hiện nay. Chính vì vậy, dù còn nhiều khó khăn song, Báo Điện Biên Phủ vẫn quyết tâm duy trì kỳ phát hành của ấn phẩm Điện Biên Phủ thời sự ra 3 kỳ/tuần với lượng phát hành từ 2.500 bản/kỳ; đồng thời tăng kỳ phát hành và đổi tên hai ấn phẩm: Điện Biên Phủ cuối tháng (1 kỳ/tháng) thành Bán nguyệt san (2 kỳ/tháng) và tháng 10/2013 tiếp tục đổi tên thành Điện Biên Phủ cuối tuần, nâng kỳ phát hành 4 kỳ/tháng; Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao tăng từ 2 kỳ/tháng lên 3 kỳ/tháng (phát hành vào các ngày mùng 5, 15 và 25 hằng tháng). Tất cả các ấn phẩm của Báo Điện Biên Phủ đều được phát hành đến các đảng bộ, chi bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, phường, tổ dân phố, thôn bản trong toàn tỉnh. Báo Điện Biên Phủ Điện tử tuy mới ra đời từ ngày 3/2/2004 nhưng đã khẳng định ưu thế vượt trội trong các loại hình báo chí. Đây chính là kênh thông tin quan trọng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hiệu quả nhất về KT - XH, đời sống nhân dân, tiềm năng, thế mạnh, khả năng thu hút đầu tư; những sản phẩm hàng hoá truyền thống, tấm lòng rộng mở, chân tình của Điện Biên với Đảng, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các tổ chức xã hội, nhân dân và bạn bè trong nước và toàn thế giới thông qua địa chỉ: www.baodienbienphu.com.vn. Với tiêu chí 70% là các thông tin trong tỉnh; 30% là tin tức thời sự trong nước và quốc tế; hiện nay trung bình có khoảng 40 nghìn lượt truy cập/ngày vào Báo Điện Biên Phủ điện tử, đã có hơn 70 triệu lượt người truy cập, bình quân 7 triệu lượt người truy cập/năm. Đặc biệt từ tháng 5/2011 đến nay, Báo Điện Biên Phủ điện tử đưa thêm loại hình truyền hình mạng, trung bình mỗi tháng có khoảng từ 7-10 Video-Clip về các hoạt động trọng tâm, quan trọng của tỉnh được đưa vào mạng Internet, tạo thêm một kênh thông tin quan trọng tuyên truyền, quảng bá cho tỉnh nhà. Với các loại hình báo chí năng động, hiện đại của mình, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng khác trong tỉnh, Báo Điện Biên Phủ đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và không thể thay thế của bạn đọc trong toàn tỉnh. 50 năm xây dựng và phát triển, Báo Điện Biên Phủ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Trên hành trình đi tới, mỗi người làm báo nguyện phấn đấu nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng cơ quan Báo Điện Biên Phủ luôn hoàn thành tốt sứ mệnh được giao, xứng đáng là cơ quan ngôn luận sắc bén của Đảng bộ tỉnh, là diễn đàn của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, xứng đáng với niềm tin yêu, quý trọng mà bạn đọc đã dành cho Báo Điện Biên Phủ trong suốt nửa thế kỷ qua. Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống, những người làm Báo Điện Biên Phủ nguyện không ngừng học tập, rèn luyện để có tâm, có tầm, hiểu biết, say mê, đoàn kết, thống nhất cả về nhận thức và hành động; sống, học tập và làm báo theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh. Xứng đáng với sự tin cậy đánh giá và mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên, “Xứng đáng là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hoá”.
Tác giả: Hoàng Quang Hùng - Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ