DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 28/10/2014 10:29
.
(Mic.gov.vn) - Thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành tại Quyết định số 1993/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cung cấp một số thông tin thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông được dư luận quan tâm trong tháng 10/2014 như sau:
I. Về việc triển khai Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015 1. Tình hình chung Ngay sau khi Quyết định Quyết định số 888/QĐ-TTg được ban hành, Bộ TT&TT đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng, quyền hạn được giao như sau: - Ngày 27/6/2014, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 877/QĐ-BTTTT chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động (VMS) từ VNPT về Bộ TT&TT; Quyết định số 878/QĐ-BTTTT chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về trực thuộc Bộ TT&TT quản lý và thực hiện tiếp nhận các đơn vị này về trực thuộc Bộ quản lý. - Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện tái cơ cấu phần còn lại của VNPT, trong đó tập trung vào các hoạt động: thoái vốn tại các công ty cổ phần; tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh vào ngành nghề kinh doanh chính, có thế mạnh; xây dựng phương án chi tiết sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2014-2015. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo Tập đoàn VNPT xây dựng Đề án tổ chức các Công ty Truyền thông VNPT-Media, Công ty dịch vụ viễn thông VNPT- Vinaphone, Công ty Hạ tầng mạng VNPT-Net, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước. Đối chiếu quy định về điều kiện thành lập các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tại Nghị định này và căn cứ thực tế về vốn điều lệ, quy mô hoạt động hiện tại của các công ty nêu trên trong Tập đoàn VNPT, ngày 03/10/2014, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức thành Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone) trên cơ sở Công ty Dịch vụ viễn thông, Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) trên cơ sở Công ty Truyền thông, Tổng công ty Hạ tầng (VNPT-Net) trên cơ sở Công ty Hạ tầng. - Bộ TT&TT cũng đã có một số buổi làm việc để thống nhất về chủ trương điều chuyển các trường học, bệnh viện trực thuộc VNPT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hải Phòng. - Đối với Công ty Thông tin di động (VMS), ngay sau khi tiếp nhận Công ty VMS, theo thẩm quyền, Bộ TT&TT đã ban hành Điều lệ tạm thời về tổ chức và hoạt động của Công ty. Trên cơ sở các quy định của Nghị định số 69/2014/NĐ-CP và thực tế về vốn điều lệ, quy mô hoạt động hiện tại của Công ty VMS, ngày 16/9/2014, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ về mô hình tổ chức và đổi tên Công ty Thông tin di động thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức sắp xếp lại Tập đoàn VNPT, Công ty VMS, Bộ TT&TT đã có nhiều buổi làm việc với tập thể lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của hai doanh nghiệp để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, quán triệt chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Việc tách Công ty VMS ra khỏi Tập đoàn VNPT và tổ chức lại các doanh nghiệp được thực hiện thận trọng, khoa học, bảo đảm duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Theo số liệu báo cáo 09 tháng đầu năm 2014, hoạt động sản xuất kinh doanh của cả VNPT và VMS đều tăng trưởng tốt, trong đó: Tập đoàn VNPT: doanh thu đạt 57.800 tỷ đồng, hoàn thành 75,4% kế hoạch; lợi nhuận đạt 1.926 tỷ đồng, hoàn thành 82,7% kế hoạch; thuê bao di động phát triển mới phát sinh cước là 1.400.000 thuê bao. Công ty VMS; doanh thu đạt 26.030 tỷ đồng, hoàn thành 72% kế hoạch; lợi nhuận đạt 5.766 tỷ đồng, hoàn thành 79% kế hoạch. 2. Về việc tổ chức, sắp xếp lại Công ty Thông tin di động và xây dựng phương án cổ phần hóa Trong quá trình chỉ đạo Công ty VMS xây dựng phương án cổ phần hóa theo Quyết định số 888/QĐ-TTg, Bộ TT&TT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Đây là một bước đi quan trọng, cần thiết để bảo đảm lộ trình cổ phần hóa được thực hiện thành công, đạt hiệu quả cao đồng thời hoàn toàn phù hợp về mặt pháp lý cũng như thực tiễn hoạt động của Công ty VMS. a) Thứ nhất, theo Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại điểm c, phần 1 mục III Điều 1 Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020) đã đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường viễn thông là “… hình thành 3-4 các tập đoàn, tổng công ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông”, theo chiến lược kinh doanh trong giai đoạn tới, Công ty Thông tin di động MobiFone hướng tới sẽ trở thành Tập đoàn kinh tế về viễn thông mà nhà nước nắm cổ phần chi phối. Trong giai đoạn trước mắt, việc đổi tên thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone chuyên kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông sẽ làm tiền đề cơ sở cho Tổng công ty cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông cùng với các Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội, góp phần hình thành thị trường viễn thông Việt Nam phát triển ổn định, bền vững theo đúng Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP và Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. b) Thứ hai, Công ty VMS đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí để hoạt động như tổng công ty quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, cụ thể: - Vốn điều lệ hiện nay của Công ty là trên 12.000 tỷ đồng cao hơn quy định về vốn điều lệ của Tổng công ty nhà nước quy định tại Nghị định 69/2014/NĐ-CP là 1.800 tỷ đồng. - Thị trường của Công ty trải khắp đất nước, đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đội ngũ cán bộ, người lao động đông đảo (khoảng hơn 5.000 người), có năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc; Công ty được đánh giá là doanh nghiệp có nền quản trị tiên tiến nhiều năm liền. - Trong giai đoạn 2011-2013, doanh thu bình quân của Công ty đạt 37.140 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 6.606 tỷ đồng; mức nộp ngân sách đạt 3.963 tỷ đồng. Công ty có đủ năng lực tài chính để đầu tư cho các công ty con và các công ty liên kết. c) Thứ ba, căn cứ thực tiễn hoạt động của Công ty VMS, đây là một doanh nghiệp có quy mô lớn, địa bàn hoạt động trải rộng khắp toàn quốc và cũng đã tiến hành đầu tư kinh doanh tại một số thị trường quốc tế với chi nhánh tại Hồng Kông, Myanmar, Hoa Kỳ. Nhiều năm liền, Công ty là một trong năm (05) doanh nghiệp nhà nước có mức nộp thuế cho Nhà nước lớn. Bản thân Công ty cũng đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Khi còn trực thuộc Tập đoàn VNPT, Công ty VMS sử dụng rất nhiều hạ tầng mạng lưới, nguồn nhân lực của Tập đoàn VNPT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Khi tách ra khỏi Tập đoàn VNPT, Công ty sẽ trở thành doanh nghiệp viễn thông độc lập có mạng lưới hoàn chỉnh, kinh doanh tất cả các loại hình dịch vụ viễn thông và do đó việc tổ, chức sắp xếp lại Công ty là cần thiết, bảo đảm phù hợp với quy mô, định hướng hoạt động của Công ty trong thời gian tới. Ngoài ra việc tổ chức Công ty VMS thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone và thực hiện cổ phần hóa sẽ làm tăng giá trị thương hiệu MobiFone, thu hút được nhiều sự quan tâm của đối tác chiến lược, các nhà đầu tư và đạt được kết quả cổ phần hóa cao hơn. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tổ chức Công ty Thông tin di động VMS thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Tổng công ty viễn thông MobiFone trong năm 2014 theo đúng tiến độ quy định tại Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. II. Về tình hình xử lý vi phạm đối với hoạt động cung cấp thông tin trên mạng trong thời gian gần đây Trước thực trạng hoạt động cung cấp thông tin điện tử trên mạng thời gian gần đây có nhiều sai phạm, xuất hiện khá thường xuyên tình trạng cung cấp thông tin phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành gây bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ TT&TT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát nội dung thông tin trên các trang thông tin điện và mạng xã hội để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm của các đơn vị này, cụ thể như sau: Trong 09 tháng đầu năm 2014, Bộ TT&TT đã tiến hành xử lý 16 trường hợp, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp với tổng số tiền là 450 triệu và cảnh cáo 04 trường hơp, thu hồi 01 Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. Hành vi vi phạm chủ yếu của các trường hợp này là thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp không phép, không phù với thuần phong mỹ tục Việt Nam; không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức theo quy định; trao đổi, truyền đưa thông tin xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc; quảng cáo, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng không phép. Tới đây, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động của các trang thông tin điện tử nhằm bảo đảm quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/ 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được thực thi một cách nghiêm túc./.