DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 29/03/2017 22:32
Xác định vai trò, tầm quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), ngành Công Thương xây dựng Chương trình XNK hàng hóa và dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo chương trình ngành ưu tiên hàng đầu là đầu tư khai thác thế mạnh nội tại, mở rộng thị trường XNK, tích cực đầu tư phát triển các sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của Điện Biên. Trên cơ sở cuộc gặp gỡ, trao đổi đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, ký kết biên bản ghi nhớ mỗi năm, nhiều doanh nghiệp của Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào đã được chính quyền 2 bên mời sang khảo sát thị trường, mở văn phòng đại diện, chi nhánh, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Hiện nay, tỉnh ta có các cặp cửa khẩu Tây Trang - Pang Hốc, Huổi Puốc - Na Son, cửa khẩu phụ Si Pa Phìn - Huổi Lả (tuyến biên giới Việt - Lào); lối mở A Pa Chải - Long Phú (tuyến biên giới Việt - Trung). Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến giao dịch từ tháng 5/2014, Cục Hải quan Điện Biên chính thức triển khai Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, có sự kết nối với các bộ, ngành bằng cách áp dụng cơ chế “một cửa”. Khi các cục hải quan gửi thông tin liên quan đến việc xin cấp phép của các cơ quan chuyên ngành, hệ thống VNACCS sẽ tiếp nhận và xử lý phân luồng tự động thông tin khai báo của doanh nghiệp. Chức năng này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, vận tải quốc tế, giúp hạn chế sử dụng hồ sơ giấy thông qua việc áp dụng chữ ký điện tử, doanh nghiệp có thể thực hiện khai báo mọi lúc, mọi nơi bằng máy vi tính nối mạng internet. Thời gian tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin chỉ từ 1 - 3 giây. Thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi có quyết định thông quan được rút ngắn còn 3 - 4 giờ thay vì mất khoảng 1 - 2 ngày như trước đây. /uploads/news/2017_03/2.5.jpg Hoạt động giao thương, buôn bán tại lối mở A Pa Chải (huyện Mường Nhé) góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp. Với nhiều giải pháp được triển khai, hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh những năm qua có những bước tiến khả quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 137,77 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,04%/năm. Năm 2015, tổng kim ngạch XNK hàng hóa và dịch vụ ước đạt 36 triệu USD, tăng 2,7 lần so với năm 2010. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa, dịch vụ năm 2016 ước đạt 43,41 triệu USD, tăng 1,66% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 27,41 triệu USD (tăng 3,83%); nhập khẩu ước đạt 16 triệu USD (tăng 23,08%). Tổng giá trị XNK tăng qua mỗi năm đã khẳng định định hướng, chủ trương đúng đắn của tỉnh trong việc mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến thương mại nhằm phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu. Số doanh nghiệp Điện Biên hoạt động kinh doanh XNK ngày càng nhiều, nhất là trên thị trường Lào. Trong 2 năm (2015 - 2016) Điện Biên có trên 20 doanh nghiệp kinh doanh XNK sang thị trường Lào với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, là: xi măng, vật liệu xây dựng, nông - lâm sản, đồ gia dụng; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị và nông sản... Năm 2017, tỉnh ta đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch XNK hàng hóa, dịch vụ đạt 55 triệu USD, tăng 26,7% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 39 triệu USD; nhập khẩu ước đạt 16 triệu USD. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp mang tính đồng bộ. Trước hết là chú trọng triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm hàng năm của tỉnh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp; hỗ trợ thiết lập các kênh thông tin, thương mại giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, tập trung phát triển những sản phẩm có thị trường, khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, trước mắt là cụ thể hóa thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào.