DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 29/03/2017 22:26
Dù có nhiều tiềm năng về du lịch, nhưng Điện Biên chưa khai thác xứng tầm bởi chưa tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng đủ hấp dẫn du khách, trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, liên kết vùng chưa hiệu quả. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết số 03 - NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 03) sẽ là nền tảng, là động lực để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” trong thời gian tới...
Có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, nổi bật là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt được công nhận đầu tiên trong cả nước, hoạt động du lịch thời gian qua có bước chuyển tích cực. Đó là việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong nước và quốc tế. Các khu, điểm di tích được trùng tu, tôn tạo; thiết chế văn hóa, cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư và đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn quan trọng để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội gắn với hoạt động quảng bá và phát triển du lịch, nâng cao tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. /uploads/news/2017_03/3.4.jpg Thuyết minh viên du lịch giới thiệu di tích lịch sử hầm Đờ cát cho du khách. Đến nay, toàn tỉnh có 128 cơ sở lưu trú du lịch với 1.800 buồng (trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao); 10 bản văn hóa du lịch phục vụ du khách về ẩm thực và văn hóa, văn nghệ; 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn ngày càng tăng cao, riêng năm 2016 đạt hơn 710 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động (trong đó, khoảng 5.000 lao động trực tiếp). Tuy nhiên trên thực tế, doanh thu từ hoạt động du lịch chưa thực sự xứng với tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Việc tổ chức hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, sự liên kết và tính chuyên nghiệp chưa cao; chưa có nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch. Cùng với đó, các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa đủ sức hấp dẫn khách du lịch... Nguyên nhân được xác định chủ yếu do nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành chưa toàn diện, nhiều địa phương chưa có định hướng phát triển, chưa coi phát triển du lịch là phát triển ngành kinh tế quan trọng nên thiếu cơ chế và giải pháp đột phá để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là đường đến các khu, điểm di tích. Các điểm di tích lịch sử mới chỉ được bảo tồn, chưa thực sự trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách... Nghị quyết 03 xác định phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại trên cơ sở khai thác phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng đồng bộ với tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch. Đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm dịch vụ trọng điểm của khu vực Trung du miền núi Bắc bộ vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 đón 870 nghìn lượt khách (trong đó 220 nghìn lượt khách quốc tế); tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng. Xây dựng khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang trở thành khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao. Đến năm 2030 đón khoảng 1.600 nghìn lượt khách; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 3.500 tỷ đồng; ngành dịch vụ du lịch sẽ tạo việc làm cho trên 35.000 lao động (hơn 10.000 lao động trực tiếp). Trên cơ sở phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong hoạt động du lịch, Ban chấp hành Tỉnh ủy đã tập trung bàn thảo, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành kinh tế du lịch trên địa bàn. Trong đó rà soát, điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch; nhất là đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép, phê duyệt dự án đầu tư, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Vận dụng chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch. Khuyến khích liên kết trong vùng, liên vùng trong thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, đầu tư xây dựng thương hiệu du lịch; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm quà lưu niệm du lịch, mặt hàng truyền thống địa phương. Tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm đặc thù gắn với các cụm, khu, điểm du lịch. Đối với cụm du lịch TP. Điện Biên Phủ - huyện Điện Biên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lịch sử, nghiên cứu lịch sử, văn hóa các dân tộc; vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện. Triển khai xây dựng và thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghiên cứu, đầu tư và triển khai các dự án khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (đồi E2); Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đồi A1 và cứ điểm Khu đề kháng Him Lam; khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng... gắn kết du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái với du lịch tâm linh. Trong nỗ lực đổi thay việc tổ chức hoạt động du lịch, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch và quảng bá du lịch, du khách đến Điện Biên trong 2 tháng đầu năm 2017 tăng khá ấn tượng, khoảng hơn 91.000 lượt người, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016 (trong đó khách quốc tế đạt hơn 14.100 lượt người). Doanh thu từ du lịch hơn 116,3 tỷ đồng.