DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 21/11/2013 20:49
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn .Ảnh ( Nguồn: Internet)
Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 20.11, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son cho rằng sự ra đời của Nghị định 72 đã giúp hạn chế những bất cập về quản lý thông tin mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bắc Son cho rằng những người dùng blog đăng ký từ các server nước ngoài hiện vẫn là thách thức.
Tăng cường thanh kiểm tra các trang mạngTheo Bộ trưởng Bắc Son, trong các trang mạng có báo điện tử và đây là loại hình mới xuất hiện. Vì vậy, Luật Báo chí sắp tới sẽ cần phải sửa đổi để bổ sung chế tài hoạt động của báo điện tử, bên cạnh việc thực hiện nghiêm Nghị định 72. Ông khẳng định, Bộ sẽ tăng cường thanh kiểm tra các trang mạng. Nếu các trang mạng được cấp phép vi phạm sẽ thu hồi giấy phép. Những trang thông tin cá nhân đưa tin chưa chính xác, thậm chí sai trái hoàn toàn, khi phát hiện thông tin sai, địa phương phải phát hiện kịp thời, thông tin lại cho các cơ quan chức năng.Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bắc Son cho rằng việc Thủ tướng ban hành quyết định về thanh tra viên là cơ hội để Bộ thực hiện tốt chuyên ngành về thanh tra, do hiện cả nước có khoảng 300 thanh tra viên nên rất thiếu nguồn lực.Bộ trưởng TTTT dẫn việc một số tờ báo Việt Nam vừa qua bị tấn công mạng, nhưng đã được hỗ trợ khắc phục và giải cứu thành công. Ông cho rằng, nhiều người sử dụng máy tính đã tải các dịch vụ miễn phí trên mạng có kèm theo mã độc, nên nhiều máy tính có nguy cơ bị nhiễm. “Mã độc có thể phá hủy một lò phản ứng hạt nhân của một nước. Chúng rất nguy hại, ảnh hưởng đến an ninh thế giới và chúng ta” – ông nhận định. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết hiện Bộ TTTT đã xây dựng dự án Luật An toàn thông tin và mong được đưa vào chương trình kỳ họp 2014, vì an toàn thông tin đang đối mặt nhiều rủi ro và nguy cơ rình rập. Nếu không có chế tài thì không thực hiện được việc bảo đảm an ninh quốc gia – ông khẳng định.Các vấn đề đột xuất: Phải cung cấp thông tin trong ngàyTrả lời câu hỏi về việc vì sao báo chính thống đưa tin chậm so với các mạng xã hội, Bộ trưởng lý giải do “báo chí chính thống phải tuân thủ quy chế xác định nguồn tin trước khi đăng, còn trang mạng xã hội chỉ cần nghe tin là đăng ngay mà không cần quan tâm đến độ chính xác”. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bắc Son cho rằng có nguyên nhân do một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy định của Chính phủ về việc cung cấp thông tin từ người phát ngôn.Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng đã thay đổi Nghị định 77 bằng Nghị định 25, đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Theo đó, các bộ ngành, địa phương hàng tháng phải cung cấp thông tin cho báo chí trên website. Những vấn đề đột xuất, những thông tin, sự kiện liên quan đến nhiều người phải cung cấp tin kịp thời trong 1 ngày thay vì 2 ngày như trước đây. Khi có thông tin sai, người phát ngôn phải công bố, bác bỏ thông tin đó ngay. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bắc Son cũng nêu những hạn chế, yếu kém của báo chí khi có những báo đưa đưa tin sai, đưa những thông tin phân tích tỉ mỉ vụ án, gây ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Nhiều báo ngành, địa phương này lại đưa quá nhiều tin tiêu cực về những ngành, địa phương khác gây bức xúc xã hội. Bộ trưởng Bắc Son ví von “Lúa tốt sẽ không có cỏ dại”, và nhấn mạnh vai trò của nhà báo như những người lính trên mặt trận tư tưởng. “Chức năng báo chí là đưa thông tin để xây dựng lòng tin. Chúng ta phê phán thông tin mặt trái, các mặt tiêu cực để cảnh báo dư luận, chứ không phải gây hoang mang cho dư luận. Phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của báo chí, duy trì tôn chỉ, mục đích” – ông khẳng định. Tăng giá 3G cũng là đóng góp cho ngân sách nhà nước Liên quan đến chất vấn về việc tăng giá cước 3G không song hành cùng chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định việc điều chỉnh giá cước là nhằm từng bước nâng giá viễn thông để thị trường cạnh tranh lành mạnh, do thời gian qua, giá của ta thấp hơn giá thế giới nhiều lần. “Tăng giá cước 3G là việc bình thường để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác các nhà mạng đều thuộc Nhà nước, nên việc tăng giá cũng là góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước” – ông nói. Dự kiến đến 2015, Việt Nam sẽ ứng ụng 4G vào Việt Nam. Hiện Bộ đã cấp phép cho một số đơn vị thí điểm dịch vụ này. P.T