DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 30/09/2015 06:26
DIC-Ngày 25/9 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
Định hướng chung của quy hoạch là sắp xếp lại các cơ quan báo chí trong cả nước theo hướng giảm số lượng các cơ quan báo chí, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền và hiệu lực quản lý Nhà nước nhằm mục đích "để báo chí mạnh hơn, hiệu quả hơn, làm đúng chức năng nhiệm vụ là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và nhà nước, diễn đàn của nhân dân". Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch cũng định hướng sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, tăng cường tự chủ về tài chính, nâng cao chất lượng tuyên truyền đối với các nhiệm vụ chính trị, xã hội, tăng thời lượng chương trình sản xuất trong nước: Đối với báo in, đến năm 2020, mỗi tỉnh, thành phố chỉ có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Trừ một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ban, ngành tỉnh không có cơ quan báo in. Các cơ quan báo in sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là Tỉnh ủy hoặc Thành ủy trực thuộc Trung ương. Đối với hệ thống Đài Phát thanh - Truyền hình, đến năm 2020, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có 1 đài Phát thanh - Truyền hình, mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền (Đài PTTH Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tối đa 2 kênh). Hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình (việc truyền dẫn, phát sóng do các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng thực hiện), bảo đảm các chương trình sản xuất trong nước đạt tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng. Nội dung khai thác từ kênh chương trình truyền hình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng. Đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Đối với truyền hình trả tiền, số lượng kênh truyền hình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh trên hệ thống truyền hình trả tiền không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác. Đối với báo điện tử, định hướng sắp xếp báo điện tử cơ bản tương tự như báo in. Cơ quan, tổ chức có báo in thì được xuất bản báo điện tử. Các cơ quan tổ chức được xuất bản tạp chí in thì có thể có phiên bản điện tử (đăng đúng nội dung của tạp chí in).