DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 25/11/2013 20:56
Thi kéo co – Một môn thể thao được bảo tồn trò chơi dân gian dân tộc Thái bản Che Căn – xã Mường Phăng. Ảnh : Thu Thủy
Trong cộng đồng 19 dân tộc của tỉnh Điện Biên, dân tộc Thái chiếm tỉ lệ đông dân nhất sau đó là dân tộc Mông, Kinh, Khơ Mú và các dân tộc khác như Tày, Nùng, Dao... Mỗi dân tộc có tiếng nói, phong tục tập quán và sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung cũng như nét văn hoá đặc sắc các dân tộc ở Điện Biên nói riêng.
Ngày nay, trong thời đại giao lưu, hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, gắn với phát triển kinh tế thị trường, nền văn hóa dân tộc của nước ta có nhiều cơ hội để tiếp thu các tinh hoa văn hóa tiên tiến; tuy nhiên các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc đã và đang có nguy cơ bị mai một. Đặc biệt, cuộc sống hiện đại và các yếu tố tác động từ bên ngoài đã làm cho một bộ phận không nhỏ, nhất là thế hệ trẻ không còn thiết tha với những phong tục, tập quán của dân tộc mình, nhiều nét văn hóa đã bị giao thoa giữa dân tộc này với dân tộc khác... Vì vậy, vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đó là một vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nan tiến tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện các chương trình, đề án nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, các cơ quan báo chí, cơ quan có ấn phẩm báo chí của tỉnh đã bám sát hơi thở cuộc sống, tích cực thông tin, tuyên truyền về đề tài văn hóa dân tộc nhằm góp phần lưu giữ và truyền bá bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc ở Điện Biên.Với vai trò là phương tiện thông tin nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp, công tác thông tin tuyên truyền về mảng đề tài này được đẩy mạnh ở tất cả các loại hình báo chí, từ báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và các ấn phẩm như bản tin, đặc san, trang thông tin điện tử của các sở ngành, địa phương. Cùng với việc thông tin nhanh các tin tức, sự kiện thời sự về lĩnh vực văn hóa dân tộc, báo chí còn có phản ánh chân thực, có chiều sâu nét đẹp; phong tục tập quán của các dân tộc, như các lễ hội truyền thống của dân tộc Mông, Hà Nhì, Thái, Khơ Mú, Dao, Si La..., các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; các ngành nghề truyền thống, món ăn ẩm thực; các nghi thức, nghi lễ truyền thống; các hương ước của bản làng, dòng họ gắn liền với tâm linh, tín ngưỡng... trong đời sống hằng ngày, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc. Qua đó, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong phát triển giá trị văn hóa dân tộc chính là đồng bào các dân tộc và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp trong ma chay, cưới xin, tổ chức lễ hội... Công tác tuyên truyền không chỉ giúp mọi người hiểu được bản sắc lâu đời của dân tộc mà còn giúp nét văn hoá cổ truyền lan rộng, qua đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.Bên cạnh đó, báo chí còn tích cực phát hiện, tuyên truyền các vấn đề bất cập, nảy sinh cần có tiếng nói chung, cái nhìn khách quan, sự ủng hộ, tham gia vào cuộc của các tổ chức đoàn thể để nét đẹp trong văn hóa truyền thống không bị mai một dẫn đến mất bản sắc. Khai thác và phản ánh các nội dung trên, nhiều tác phẩn báo chí trong tỉnh đã gây được ấn tượng tốt đẹp với bạn người đọc, người nghe và xem truyền hình; một số tác phẩm đã giành được giải tại các cuộc thi, liên hoan báo chí, phát thanh truyền hình của khu vực và toàn quốc như tác phẩm “Bán đi một góc con người” của Nhà báo Duy Hưng (Đài PT-TH tỉnh) đề cập nội dung nhiều chị em phụ nữ dân tộc Thái cắt mái tóc của mình để bán lấy tiền. Mái tóc là một nét đẹp vốn có của con người nói chung và là niềm kiêu hãnh của người con gái nói riêng. Từ xa xưa cha ông ta đã có câu thành ngữ “Mái tóc là góc con người”. Mái tóc đặc biệt có giá trị đối với phụ nữ dân tộc Thái, khi lấy chồng (ngành Thái đen), theo phong tục mái tóc đó được búi cao lên đỉnh đầu gọi là “Tằng cẩu” và chỉ trong trường hợp người chồng đã chết, phụ nữ Thái mới bỏ “Tằng cẩu”. Vậy mà trong thời buổi kinh tế thị trường đã không ít người không ngần ngại từ bỏ phong tục, tập quán, luân lý ngàn đời cùng những nét đẹp vốn có của con người chỉ vì miếng cơm, manh áo. Hay việc phản ánh lý do giải thích vì sao sao phụ nữ Mông lại không thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc Mông (tác giả Ngọc Thượng - Đài PT-TH tỉnh) và còn rất nhiều tác phẩm được khai thác, phản ánh trên các ấn phẩm của Báo Điện Biên Phủ, các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh. Mặt khác, để sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng các lễ hội truyền thống đã bị mai một, các cơ quan chuyên môn, cùng các địa phương phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, phục dụng ấy chỉ được phổ biến, lưu giữ, tuyên truyền giáo dục trong một phạm vi nhất định. Qua kênh thông tin, của báo chí các giá trị văn hóa đó sẽ được quảng bá, phổ biến rộng rãi không chỉ ở trong nước mà còn ra cả thế giới. Ngoài phổ biến, giáo dục, việc tuyên truyền các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tốt đẹp của các dân tộc còn góp phần chống lại các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để lôi kéo kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh trật tự xã hội của các thế lực thù địch.Trước yêu cầu cấp thiết của việc bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, ngày 20/12/2012, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh - tế xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Một trong bảy giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết đó là tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các giá trị văn hóa và việc bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên. Gần đây nhất, kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII cũng ban hành Nghị quyết thông qua “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh - tế xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, trong đó vai trò chủ trì là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan báo chí, để đưa các giá trị văn hóa tinh thần cũng như bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Điện Biên đến với mọi người, mọi nhà và đọng lại trong lòng bạn bè, du khách trong cả nước và trên thế giới./.