DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 29/09/2013 23:51
Cán bộ văn phòng xã Na Son (Điện Biên Đông) sắp xếp báo trước khi cấp pháp cho các đối tượng thụ hưởng. (Ảnh: Đức Linh)
DIC - Để tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thông tin từ các ấn phẩm báo chí, Nhà nước đã có chính sách cấp phát báo, tạp chí miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và vùng khó khăn. Tuy nhiên, có một thực tế việc cấp phát báo tại cơ sở chưa thực sự mang lại hiệu quả, các ấn phẩm đến với người dân còn rất chậm.
Trao đổi với chúng tôi về công tác cấp phát báo tới tay các đối tượng được thụ hưởng tại cơ sở, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Bưu điện huyện Điện Biên Đông, cho biết: hiện nay có 18 loại báo được phát cho các đối tượng là cán bộ xã, trưởng bản, già làng như: báo Pháp luật, Nông nghiệp Việt Nam, Văn hóa – Phát triển, Nông thôn ngày nay, Tài nguyên & Môi trường, Phụ nữ… Việc vận chyển báo tới các bưu điện xã khá thuận lợi, bưu điện huyện có 6 cán bộ chuyên vận chuyển báo về các trung tâm xã. Tuy nhiên, việc cấp phát báo từ bưu điện xã tới tay người được thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, thường rất chậm. Giải thích về việc này, ông Hùng chia sẻ: Do lực lượng bưu điện xã mỏng, mỗi bưu điện xã chỉ có một cán bộ và phải kiêm nhiệm nhiều công việc trong khi địa bàn các xã rộng, điều kiện đi lại khó khăn nên thường xảy ra việc cấp phát báo không kịp thời. Cán bộ bưu điện xã thực hiện theo quy định của ngành bưu điện, cấp phát báo tới tay người thụ hưởng trong phạm vi bán kính 3km so với trung tâm xã. Với các đối tượng thụ hưởng cách xa hơn 3km so với trung tâm xã, cán bộ bưu điện xã sẽ bàn giao việc cấp phát báo cho bộ phận văn thư của UBND xã chuyển đến người thụ hưởng. Vì vậy có khi phải 5 – 7 ngày sau báo mới đến tay người thụ hưởng. Thậm chí có nơi báo nằm yên trong phòng văn thư của xã vô thời hạn vì không có người cấp phát và người nhận.Chúng tôi đến điểm bưu điện xã Na Son tìm hiểu thực tế việc cấp phát báo tại cơ sở thì được chị Lường Thị Thim cho hay, chị vừa bàn giao việc cấp phát báo cho các đối tượng thụ hưởng nằm cách xa trung tâm xã quá 3km cho cán bộ UBND xã. Bưu điện xã chỉ có mình chị kiêm nhiều công việc chuyển phát bưu kiện, bưu phẩm; cấp phát báo; thu cước các dịch vụ; trực bưu điện… nên chị phải tranh thủ thời gian hoàn thành công việc cấp phát báo. Cũng vấn đề này, ông Lò Văn Khộ, Chủ tịch UBND xã Na Son chia sẻ: Xã không có cán bộ chuyên trách việc cấp phát báo hơn nữa nhiều bản nằm cách xa trung tâm xã, điều kiện đi lại khó khăn như: Bản Sư Lư 5 (cách 17km), bản Sư Lư 4 (cách 16km), bản Trung Phu (cách 15km) nên phải thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng chuyển báo tới tay các đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, việc cấp phát báo cho các đối tượng thụ hưởng thông qua các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Phòng Văn hóa, Phòng Nông nghiệp… hoặc thông qua cán bộ ở gần nhà đối tượng thụ hưởng nên không đảm bảo thời gian, khi báo tới tay người thụ hưởng thông tin, không có tính thời sự.Để nâng cao kiến thức và sự hiểu biết của người dân, giúp người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đòi hỏi chúng ta phải tìm giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả việc cấp phát báo tới người dân. Qua đó, giúp người dân tiếp cận kịp thời với các luồng thông tin mới, học hỏi nhiều kiến thức và cách làm hay áp dụng vào đời sống sản xuất…