DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 11/11/2014 10:12
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội nghị.
(Mic.gov.vn) - Sáng ngày 10/11/2014, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tập huấn pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực TT&TT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã tới dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Tham dự có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT; Bộ Khoa học và Công nghệ…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, hội nghị lần này được tổ chức có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, công bằng, thống nhất, xây dựng nền hành chính trong sạch, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; đồng thời, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức pháp luật, thói quen sử dụng pháp luật của doanh nghiệp, đề phòng rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. Hội nghị này cũng là cơ hội cho các đơn vị thuộc Bộ trau dồi, nâng cao kiến thức về luật sở hữu trí tuệ. Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các ông: Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo – Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ TT&TT trình bày các nội dung về luật sở hữu trí tuệ liên quan đến bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, tên miền internet với sở hữu trí tuệ. Theo đó, các tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; bài giảng, bài phát biểu, bài nói; tác phẩm báo chí, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, đồ họa do chính tác giả trực tiếp sáng tác bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác là những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền tác giả cũng quy định chỉ bảo hộ sự thể hiện ý tưởng chứ không bảo hộ bản thân ý tưởng trong tác phẩm. Các tin tức thời sự chỉ mang tính chất thông tin không có tính sáng tạo, vì vậy không được bảo hộ. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các cơ quan hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của nó, và các khái niệm, nguyên lí, số liệu cũng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Luật Việt Nam quy định thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Trong trường hợp đồng tác giả thì thời hạn 50 năm, tính từ khi tác giả cuối cùng chết. Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm công bố lần đầu. Trong thời hạn 25 năm kể từ khi được định hình, nếu tác phẩm loại này chưa công bố thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, tính từ khi tác phẩm được định hình. Quy định như vậy nhằm khuyến khích tác giả sớm công bố tác phẩm phục vụ xã hội. Đối với tác phẩm khuyết danh, khi danh tính của tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo nguyên tắc đời người, có nghĩa thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Giới hạn về thời hạn bảo hộ là việc quy định thời hạn bảo hộ, với quan niệm quyền tác giả không thể là giá trị vô hạn. Luật pháp đưa ra thời hạn bảo hộ nhất định đối với từng loại hình cụ thể. Đó là khoảng thời gian bắt đầu từ khi tác phẩm được định hình đến lúc chấm dứt việc bảo hộ đối với quyền tài sản. Chỉ trong thời gian đó quyền tác giả mới tồn tại, kể cả khi tác giả đã chết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người thừa kế. Sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ, nó thuộc về công cộng, việc khai thác sử dụng sẽ ở tình trạng tự do. Tuy nhiên các tổ chức, cá nhân sử dụng phải tôn trọng quyền đứng tên, đặt tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Đối với sở hữu trí tuệ tên miền internet, Quốc hội và Chính phủ, Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản, Nghị định,Thông tư trong đó có nhiều phần quy định về các nội dung như: sở hữu tên miền; tranh chấp đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác. Tại Việt Nam, tên miền quốc gia ".vn" thuộc quyền quản lý của Trung tâm Internet Việt Nam trực thuộc Bộ TT&TT trên cơ sở các quy định của Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006, Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/08/2008, Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008. Theo cơ sở pháp lý này, việc giải quyết tranh chấp tên miền sẽ được thực hiện theo một trong các phương thức sau: Hòa giải, thương lượng, giải quyết bằng con đường trọng tài, hoặc khởi kiện ra tòa án… Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự và diễn giả đã có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong ngành TT&TT.