DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 14/08/2013 02:47
Một cụm đài vô tuyến điện của Ban thông tin vô tuyến điện R tại chiến khu Tân Biên.
DIC-Đồng hành từ suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt của đất nước, Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam luôn là cầu nối liên lạc giúp cho Trung ương Cục nắm vững tình hình. Phía sau những "mạch máu" liên lạc thông suốt ấy là những chiến sĩ mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường trên mọi nẻo đường Tổ quốc.
Những "mạch máu" thông tin không bao giờ tắt Trong những năm tháng kháng chiến, ngành Giao bưu và Thông tin đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng mạng lưới thông tin liên lạc luôn được giữ vững với 3 phương thức thông tin: Điện thoại, vô tuyến điện và đường thư. Trong đó, vô tuyến điện là phương thức thông tin liên lạc nhanh nhất nhưng rất dễ bị kẻ thù phát hiện mỗi khi phát sóng. Chẳng thế mà sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, quân ta tạm thời tập kết ra miền Bắc bên kia vĩ tuyến 17. Để phù hợp với tình hình mới, tháng 10/1954 Trung ương thành lập lại Xứ ủy Nam Bộ. Xứ ủy Nam Bộ bố trí hai bộ phận thường trực, thường trực một đóng ở Cà Mau phục vụ đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Thường trực hai đóng ở nội thành Sài Gòn, đây là cơ quan thường trực và Văn phòng Xứ ủy. Thời kỳ này thông tin liên lạc được bố trí 1 đài phục vụ xứ ủy ở Cà Mau và 1 đài ở Sài Gòn. Lúc này, chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết thi hành chính sách “tố cộng diệt cộng” nên việc đài lên máy làm việc rất khó khăn. Để giữ bí mật, đài chỉ làm việc vào ban đêm và phải chuyển căn cứ liên tục, khi thì ở nhà cơ sở cách mạng, hầm bí mật, khi ở kênh Rạch, rừng tràm. Tháng 5/1956 Xứ ủy tạm lánh sang Campuchia. Lúc này đài phục vụ xứ ủy do đồng chí Nguyễn Thành Danh tức Sáu Đại (nguyên Trưởng Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục Miền Nam, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Bưu điện miền Nam, nguyên Giám đốc Bưu điện TP. Hồ Chí Minh) phụ trách đóng ở cặp biên giới, địch vây ráp bắt đồng chí Chín Sinh, chúng đem ảnh cho đồng bào nhận mặt đồng chí Sáu Đại, đồng chí phải nhờ em bé dẫn thoát vòng vây. Đến cuối năm 1960, địch mở chiến dịch Trần Lệ Xuân, ủi rừng, mở đường, chia cắt, lấn sâu vào sát căn cứ, Xứ ủy quyết định chuyển cơ quan về chiến khu Đ (Mã Đà) đài vẫn đảm bảo phục vụ Trung ương Cục kịp thời. Suốt những năm tháng từ 1961 - 1968, chiến tranh diễn ra cực kỳ ác liệt. Cũng chính thời gian này, các cụm đài, xưởng kỹ thuật được hình thành làm nhiệm vụ sửa chữa, lắp ráp máy thu, phát thông tin cung cấp cho các địa phương và chiến trường. Trong đó, Trường thông tin liên lạc vô tuyến điện Lý Tự Trọng ra đời vào ngày 14/2/1961 do xứ ủy Nam Bộ thành lập đã đào tạo nhiều chiến sĩ thông tin liên lạc tiêu biểu nhất. Với hơn 500 học viên báo vụ, kỹ thuật điện đài vô tuyến điện, trên 20 học viên kỹ thuật, báo vụ cho Campuchia. Tập huấn nghiệp vụ cho hơn 100 báo vụ miền Bắc chi viện miền Nam. Góp phần tăng cường, phát triển, hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện khu vực B2. Dấu son đi cùng năm tháng Chuẩn bị vào chiến dịch Mậu Thân đợt 2, Trung ương Cục chỉ đạo thành lập phòng Thông tin liên lạc trực thuộc Văn phòng Trung ương Cục. Tháng 4/1968. Phòng Thông tin Trung ương Cục thành lập thêm cụm đài B22 dự phòng, và B21 phục vụ điện thọai các cơ quan Văn phòng Trung ương Cục. Với điều kiện làm việc nặng nhọc, thiếu thốn, lại ở rừng, muỗi mồng độc hại, B19, đồng chí Bào và Mèn bị sốt rét các tính, không có thuốc điều trị nên đã hy sinh. Tại thời điểm này, địch dùng chiến tranh điện tử là mối nguy hiểm lớn cho mạng thông tin của ta. Chúng đặt trạm kiểm thính trên núi Bà Đen, Thái Lan, Hạm đội 7 và thực hiện theo dõi 24/24 giờ nhằm phát hiện đài thông tin của ta phát sóng để thu thập tin tức, định hướng, tìm diệt cụm đài và cơ quan đầu não của ta. Để đối phó với chiến tranh điện tử, bảo vệ cụm đài B19 và B20. Ban thông tin tổ chức cụm đài B6 “Chuyên phát sóng giả”. Phương thức hoạt động của Cụm Đài B6 đơn giản, các giờ và phiên liên lạc cố định, mục đích “nửa kín, nửa hở” tạo chủ quan cho địch dễ phát hiện ráo riết bám sát , thu hút hỏa lực của địch. Hằng đêm, Cụm đài B6 lên máy thu, phát điện trên sóng những bức điện thật không có nội dung. Các bức điện này chúng không thể dịch ra nổi, đã làm đau đầu các nhà chuyên môn giải mã của địch. Tình huống được tạo vừa kín, vừa hở gây cho địch dễ phát hiện, lôi kéo chúng vào cuộc chơi. Tháng 4/1970, khi Trung ương Cục và các Ban, Ngành hành quân vượt biên giới sang đất bạn Campuchia, cụm đài B6 vẫn ở lại phát sóng liên tục như mọi ngày. Thời gian này cụm đài B6 phải chịu pháo bầy và B52, B57 liên tục đánh phá ác liệt, có đêm địch trút xuống rừng 27 đợt B52. Hành động của cụm đài B6 là rất gan dạ, dũng cảm, tự nguyện làm con mồi trên làn sóng cho địch đánh phá, có một báo vụ đã hy sinh. Những năm 1970 là thời điểm rất ác liệt, các cụm đài hành quân di chuyển liên tục, phải luôn ngụy trang hành lang di chuyển, tránh bịêt kích, thám báo rình rập theo dõi, ngụy trang chống chiến tranh điện tử từ trên không, dưới mặt đất để tồn tại và giử vững mạch máu thông tin liên lạc phục vụ Trung ương Cục. Chỉ trong 1 tháng, đã có 10 chiến sĩ hy sinh, 5 chiến sĩ bị thương. Ác liệt của bom đạn, khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ, chiến sỹ thông tin liên lạc Trung ương Cục không chùn bước. Trong suốt trận càn biên giới, sóng điện của đài thông tin Trung ương Cục không bao giờ tắt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những thời điểm khó khăn ác liệt nhất, bảo đảm cho Trung ương Cục chỉ đạo Cách mạng miền Nam vượt qua sóng gió của chiến tranh biên giới năm 1970. Cuối năm 1971, một số cán bộ cũ được đưa về thành lập lại cụm đài thông tin miền Đông phục vụ khu ủy. Cụm đài B19 và B20 nhập chung lại thành B31 và khôi phục làm việc phương thức tập trung. Nhờ đó mà cuối năm 1972, Mỹ tráo trở chưa chịu ký hiệp định Pari, lượng điện đi, đến trong ngày tăng rất cao, độ khẩn là hỏa tốc dịch ngay, đã được lưu thoát kịp thời, không bị ứ đọng. Đến đầu năm 1973, phòng Thông tin Văn phòng Trung ương Cục còn đáp ứng mọi yêu cầu phục vụ thông tin đột xuất như thành lập cụm đài phục vụ Chính phủ Cách mạng lâm thời, phục vụ các cuộc hội nghị Trung ương Cục, phục vụ các lãnh đạo Thường vụ Trung ương Cục mỗi khi đi công tác lẻ… Đặc biệt Ban Thông tin bố trí một bộ phận báo vụ túc trực tại Văn phòng Trung ương Cục để chuyên nhận điện rõ tin Thông tấn xã Trung ương phát đi từ Hà nội. Đây là tin thế giới của các hãng tin phương tây để phục vụ cho các đồng chí Lãnh đạo Trung ương Cục và Văn phòng Trung ương Cục tham khảo. Ngày 30/4/1975, bức điện Rõ có nội dung : “Báo cáo Thường vụ. Đã nhận được điện đầu hàng của Dương Văn Minh. Chúng tôi chuẩn bị vô. Ký: Sáu Dân” của đồng chí Võ Văn Kiệt, được đồng chí Trịnh Minh Tân (Đồng chí Trịnh Minh Tân sau này là Phó Giám đốc Công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh) - đài do Phòng thông tin Trung ương Cục bố trí xuống đường phục vụ đồng chí Võ Văn Kiệt chuyển về cụm đài thông tin Trung ương Cục. Bức điện được chuyển ngay đến Văn Phòng Trung ương Cục để báo cáo. Điều này một lần nữa khẳng định thành tích của phòng Thông tin Văn Trung ương Cục một cách xuất sắc. Đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục kiêm chính ủy quân giải phóng miền Nam trong lần khen ngợi Văn Phòng Trung ương Cục đã nói: “Các bộ phận của Văn phòng Trung ương Cục là một cơ thể thống nhất, là tai, là mắt, là tay, là chân, là nội tạng giúp cho Trung ương Cục nắm vững tình hình, lo từ ăn uống đến bảo vệ, tổ chức đưa những chủ trương, nghị quyết cụ thể của Trung ương Cục đến tận chiến trường. Công việc của các đồng chí là rất gian khổ, rất vinh quang, không thể thiếu được”