DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 26/06/2014 21:28
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước. Ảnh: VGP
DIC-Ngày 26/6/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin họp Phiên toàn thể lần thứ nhất, nhằm tập trung thảo luận một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, các thành viên Ủy ban và một số chuyên gia. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý các thành viên tập trung thảo luận các nội dung như cách tiếp cận từ dịch vụ, xuất phát từ người dân trong ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính; cơ chế cho các cơ quan nhà nước thuê dịch vụ công nghệ thông tin; cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây là những nội dung được đánh giá sẽ tạo đột phá, động lực cho thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và mở ra thị trường cho doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, ngành viễn thông nhờ ứng dụng mạnh công nghệ thông tin đã nâng cao khả năng cạnh tranh, không chỉ trên sân nhà mà còn mở rộng đầu tư ra hơn 10 quốc gia. Thuê dịch vụ công nghệ thông tin là xu hướng trên thế giới. Hiện tại, Văn phòng Chính phủ và Vănphòng Quốc hội đã đi đầu trong việc thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin trọn gói. Các thành viên Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin đều đánh giá cao cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin và coi đây là một giải pháp phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin cho rằng, nếu thiếu động lực của thị trường và chỉ Nhà nước làm thì việc ứng dụng công nghệ thông tin rất khó khăn. Thực hiện cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ tạo sức sống cho thị trường. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhìn nhận, cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ tạo động lực phát triển đột phá cho doanh nghiệp, mua sắm chính phủ phải là đầu ra cho doanh nghiệp. Theo quy trình đầu tư, một dự án về công nghệ thông tin phải mất hàng năm để hoàn tất thủ tục nên có khi được phê duyệt thì công nghệ đã lạc hậu. Cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ giúp khắc phục được tình trạng này. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cũng cho rằng cần thiết đẩy nhanh cơ chế Nhà nước đặt hàng trong ứng dụng công nghệ thông tin, Nhà nước chỉ kích cầu những lĩnh vực cần thiết với tỷ trọng phù hợp. Các thành viên cũng nhất trí kiến nghị việc cần có hành lang pháp lý để thực hiện cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Sau khi nghe ý kiến của các thành viên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận, nhấn mạnh vai trò và đánh giá cao đóng góp của công nghệ thông tin như là một công cụ hữu hiệu tạo phương thức phát triển mới, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, tiềm năng và yêu cầu phát triển công nghệ thông tin là rất lớn, nếu có cơ chế chính sách tốt hơn, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Đồng ý với báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ và nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban và các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung thời gian tới: Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, nghiêm túc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực, trong đó tập trung mạnh vào y tế, giáo dục, xây dựng, hải quan, thuế... Tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu, Chính phủ điện tử. Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện thuê dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước; giao lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Văn phòng Chính phủ khẩn trương chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách để thực hiện thuê dịch vụ dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia là rất cần thiết, nhưng phải xác định được các danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia để từng bước triển khai. Triển khai trước việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp đến là cơ sở dữ liệu về đất đai; cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp... Văn phòng Chính phủ lựa chọn và làm thủ tục để đưa một số nội dung kết luận này của Thủ tướng vào Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 để triển khai thực hiện.Thông tin thêm: Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin được thành lập theo Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng và nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; cho ý kiến về các cơ chế, chính sách và giúp điều phối, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, dự án lớn về phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong 4 trụ cột (cùng với phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ thông tin) nhằm thực hiện Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông". Ứng dụng công nghệ thông tin có 3 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia, Thiết lập hệ thống điều hành trong bộ máy quản lý nhà nước và Cung cấp dịch vụ công qua mạng Internet.