DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 03/06/2014 20:34
Bê tông hóa đường vào bản ở xã Thanh chăn - huyện Điện Biên. Ảnh : Hồng Hà
Triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát động. Để phấn đấu thực hiện thắng lợi phong trào thi đua và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thông tin, truyền thông giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 119/QĐ-TTg, ngày 18/01/2011l; đồng thời cùng với các cấp, các ngành thực hiện tốt 11 nội dung và 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để cải tiến đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh, ngày 08/12/2011 Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 642/KH-STTTT tổ chức phát động phong trào thi đua “Ngành TT&TT Điện Biên chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm huy động sức mạnh tổng hợp các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, hệ thống thông tin truyền thông cơ sở và các phòng chức năng, đơn vị thuộc Sở cùng nỗ lực phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành.
Ngay sau khi phát động phong trào thi đua, 100% các cơ quan, đơn vị trong ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức đăng ký thi đua tạo động lực thực hiện có hiệu quả tiêu chí ngành thông tin và truyền thông về xây dựng nông thôn mới. Các nội dung tổ chức thực hiện được xác định có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị. Để tập trung mọi nguồn lực đảm bảo phong trào “Ngành TT&TT Điện Biên chung sức xây dựng nông thôn mới” được thắng lợi tạo ra động lực cho việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, Sở TT&TT đã tiến hành rà soát các chương trình dự án, kêu gọi nguồn đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép với cuộc vận động khác do đoàn thể đang triển khai thực hiện: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Căn cứ vào các mục tiêu, nội dung thực hiện phong trào thi đua “Ngành TT&TT Điện Biên chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhiều giải pháp đã được cơ quan triển khai: Tập trung công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến và ứng dụng các giải pháp hữu ích, tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy nhanh thực hiện đề án; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xác định công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những giải pháp quan trọng, hữu hiệu để triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến từng người dân lao động. Với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo, ngày 15/12/2011 Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1768/KH-UBND tuyên truyền Đề án “Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Trong đó xác định rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung, hình thức tuyên truyền và nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình. Ngoài ra, Sở TT&TT còn tổ chức tốt việc hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra, quản lý nội dung thông tin đăng, phát của các cơ quan báo chí ở địa phương về các thông tin tuyên truyền nói chung và tuyên truyền chương trình nông thôn mới nói riêng. Đồng thời, thông qua hội nghị giao ban báo chí hằng tháng, Sở TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh thống nhất định hướng tuyên truyền chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình MTGQ về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Để đạt được tiêu chí số 8 về bưu điện, Sở TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển mạng lưới và tổ chức cung ứng dịch vụ đáp ứng yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông, mạng lưới truyền dẫn băng rộng đa dịch vụ trên địa bàn xã về cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch; vùng phủ sóng thông tin di động được mở rộng, chú trọng đến công tác quản lý an toàn và an ninh thông tin; có hạ tầng kỹ thuật viễn thông sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ.Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, đến nay 92/116 xã có điểm phục vụ bưu chính - viễn thông. Toàn tỉnh có 746 trạm BTS phủ sóng toàn bộ các khu dân cư; hạ tầng truyền dẫn cáp quang, cáp đồng được kéo đến 100% trung tâm các xã, đảm bảo 100% khu dân cư tại trung tâm xã có thể sử dụng, khai thác thông tin từ Internet thông qua ADSL hoặc USB 3G.Cùng với hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố, hệ thống truyền thanh không dây phát triển tại các xã, phường, thị trấn. Mức độ phủ sóng truyền hình mặt đất trên toàn tỉnh có 17 trạm phát lại, trong đó có Trung tâm Truyền dẫn phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có mức độ phủ sóng rộng nhất với 472 thôn, bản, tổ dân phố, 32.403 hộ gia đình, 129.095 nhân khẩu trong vùng phủ sóng. Hệ thống truyền hình cáp, IPTV, truyền hình AVG phát triển nhanh đạt 12.837 thuê bao, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin góp phần nâng cao hiệu quả truyền tải thông tin của Đảng và Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân.Với sự quyết liệt chỉ đạo của Sở TT&TT cùng sự nỗ lực, đồng lòng của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong ngành, thời gian tới ngành TT&TT sẽ tiếp tục cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng TT&TT phục vụ xây dựng nông thôn mới; đảm bảo hoàn thành tốt các tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới trong ngành TT&TT.