DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 10/06/2014 20:44
Công nhân của VNPT thi công đường dây mạng Viễn thông tại huyện Nậm Pồ.Ảnh : Xuân Thắng
Được ra mắt vào tháng 6/2013 trên cơ sở tiếp nhận phần lớn các địa bàn khó khăn nhất của 2 huyện Mường Nhé và Mường Chà, nên Nậm Pồ gặp không ít thách thức những ngày đầu hoạt động. Khó khăn thì nhiều, khách quan, chủ quan đều có. Song theo đánh giá của Đảng bộ, chính quyền địa phương thì nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất vẫn là trình độ dân trí. Sự thiếu hiểu biết về mọi mặt đã kéo theo nghèo đói, lạc hậu và di tịch cư tự do, gây mất ổn định chính trị địa phương. Chính bởi những phân tích, nhận định trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài mà huyện xác định rõ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương đó là nâng cao hiệu quả công tác thông tin và truyền thông.
Cùng với rất nhiều khó khăn, thách thức và sự thiếu thốn về mọi mặt do đặc thù của một huyện mới thành lập mang lại, công tác truyền thông ở Nậm Pồ phải bắt đầu từ con số 0. Nghĩa là, tại thời điểm chính thức ra mắt (6/2013), huyện vẫn chưa có Trạm viễn thông, chưa thành lập được Đài Truyền thanh - Truyền hình; 15/15 xã không có hệ thống truyền thanh cơ sở... với lý do là một đơn vị mới nên còn rất nhiều thứ phải quan tâm, ưu tiên đầu tư. Song cũng không để chờ lâu, ngay sau khi đi vào hoạt động, nhận thức rõ tầm quan trọng, huyện đã từng bước hoàn thiện hệ thống truyền thông. Theo đó, chỉ sau 3 tháng thành lập, 9/2013 Nậm Pồ ra mắt Trạm viễn thông, đến 11/2013 huyện đã thành lập được Đài Truyền thanh - Truyền hình. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh, ngành chủ quản cũng như những nỗ lực của địa phương. Tuy vậy, do công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ chưa hoàn chỉnh nên nhân sự ở các đơn vị này vẫn chưa được hoàn thiện, thiếu và yếu cả về số lượng cũng như trình độ chuyên môn. Đảng bộ, chính quyền huyện đã kịp thời động viên các đơn vị chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện hiện có. Bởi vậy, ngay sau khi đi vào hoạt động, công tác thông tin, liên lạc cho hoạt động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vẫn được Trạm viễn thông huyện đảm bảo duy trì tốt và không bị gián đoạn. Điều này hết sức quan trọng, nhất là với địa phương còn nhiều khó khăn, phức tạp về tình hình an ninh chính trị như Nậm Pồ. Đặc biệt, việc hoàn thành tuyến cáp quang đã đáp ứng được sự mong đợi của lãnh đạo huyện cũng như các khách hàng sử dụng dịch vụ nói chung về viễn thông, công nghệ thông tin và liên lạc trong địa bàn nói riêng, với các địa phương khác nói chung. Đối với Đài Truyền thanh - Truyền hình, mặc dù tỉnh chưa phê duyệt biên chế, nhưng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, huyện chủ động tuyển dụng hợp đồng gần 10 cán bộ, cơ bản hoàn thiện đội ngũ chuyên môn. Huyện cũng đã gửi lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên về Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để học tập và nâng cao trình độ chuyện môn, nghiệp vụ. Mặc dù hiện nay chưa xây dựng được chương trình trang truyền hình cơ sở, song hằng ngày Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đều có tin, bài cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; giữ ổn định và duy trì tốt công tác thu, phát sóng tại 2 trạm Si Pa Phìn và Chà Cang. Phủ sóng phát thanh đạt trên 92% số hộ với hơn 1.300 giờ sau 6 tháng đi vào hoạt động; phủ sóng truyền hình Việt Nam đạt trên 53%. Theo kế hoạch, để nâng cao hiệu quả công tác thông tin và truyền thông tại cơ sở, tới đây huyện Nậm Pồ sẽ tiếp tục khảo sát và nghiên cứu đầu tư hệ thống trạm thu, phát sóng truyền hình tại xã Nà Bủng.Nhận thức được công tác thông tin tuyên truyền là một yêu cầu cấp thiết góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đi lên, huyện xác định thông qua kênh thông tin quan trọng này nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học đến với bà con nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, làm đổi thay đời sống về mọi mặt của nhân dân; đặc biệt, nội dung tuyên truyền sẽ được chú trọng vào các quy định, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, nhất là những quy định liên quan đến biên giới nhằm ổn định dân cư và xây dựng nông thôn mới.Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mặc dù đứng trước không ít khó khăn, thách thức của một địa phương những ngày đầu thành lập, song cho đến nay, các điều kiện cơ bản để đảm bảo công tác thông tin và truyền thông, như: Trạm viễn thông, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện... cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Tới đây, huyện sẽ chú trọng đầu tư và chỉ đạo hoạt động để nâng cao hiệu quả trong công tác thông tin và truyền thông của những đơn vị này. Đặc biệt, hiện nay toàn huyện đã có 60/127 bản được sử dụng điện lưới quốc gia, 27 bản đang triển khai lắp đặt hệ thống cung ứng điện. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống cung ứng điện lưới quốc gia, tới đây tại mỗi xã có điện, huyện sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống loa truyền thanh, phát huy hiệu quả trong công tác thông tin và truyền thông tại từng địa bàn dân cư”.