DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 15/08/2014 18:24
UBND tỉnh giao ban trực tuyến với UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ảnh: Thanh Nam
DIC - Ngày 30/7/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả Đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013.
Năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành khảo sát, đánh giá, xếp hạng đối với 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 08 cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị được đánh giá, xếp hạng dựa trên 5 nhóm tiêu chí: Hạ tầng kỹ thuật CNTT, Triển khai ứng dụng CNTT; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT; Nhân lực và đầu tư cho ứng dụng CNTT. Theo đánh giá chung, trong năm 2013, công tác ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục được các cơ quan quan tâm triển khai, nhìn chung, mức độ ứng dụng CNTT tại các cơ quan tăng nhẹ so với năm 2012, tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị phía cuối, cụ thể: Về cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT: tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu cho ứng dụng CNTT; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉ lệ tỉnh/thành có mức độ đáp ứng từ khá trở lên đạt trên 90%, mặc dù vậy vẫn có sự chênh lệnh giữa các quận huyện trong cùng một tỉnh. Về mức độ ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành (ứng dụng nội bộ): So với năm 2012, tỉ lệ số Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đạt mức độ Tốt, Khá đều tăng nhẹ, số đơn vị đạt mức Trung bình giảm, tuy nhiên tỉ lệ số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở mức độ Trung bình vẫn còn cao (gần 80%). Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao hiệu quả, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao 3, 4 ngày càng tăng. Trong năm 2013, có 53 tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 2.472 dịch vụ (tăng 863 dịch vụ so với năm 2012), có 6 tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (tăng 4 tỉnh so với năm 2012) với 56 dịch vụ (tăng 51 dịch vụ so với năm 2012). Cùng với sự tăng trưởng về số lượng dịch vụ công trực tuyến, số hồ sơ được xử lý trực tuyến cũng tăng theo thời gian. Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bạc Liêu. Về công tác tổ chức đảm bảo an toàn thông tin và công tác xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT đều được các cơ quan quan tâm và có mức độ tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên trong năm 2013 lại có sự suy giảm về nguồn nhân lực CNTT, tỉ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức độ đánh giá về nguồn nhân lực đạt mức Tốt chỉ đạt 33,3%, giảm 23% so với năm 2012, trong khi đó số tỉnh/thành đạt mức Trung bình là 30,2%, tăng gần 16% so với năm 2012. Trong bảng xếp hạng chung, tỉnh Điện Biên xếp hạng 60/63 (đứng trên Kon Tum, Lai Châu, Sơn La, tụt 1 bậc so với năm 2012) nhằm trong nhóm những tỉnh có mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trung bình của cả nước, trong đó: Hạ tầng kỹ thuật CNTT xếp hạng 47/63 (tăng 6 bậc so với năm 2012, xếp loại khá); Ứng dụng CNTT trong nội bộ của các cơ quan nhà nước xếp hạng 61/63 (tụt 6 bậc so với năm 2012, xếp hạng trung bình); Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp xếp hạng 53/63 (tăng 8 bậc so với năm 2012, xếp hạng trung bình); Cổng/trang thông tin điện tử các cơ quan nhà nước của tỉnh xếp hạng 53/64 (tăng 8 bậc so với năm 2012, xếp hạng trung bình); Cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên mạng xếp hạng 38/63 (tăng 3 bậc so với năm 2012); Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin xếp hạng 49/63 (tụt 2 bậc so với năm 2012, xếp hạng trung bình); Xây dựng cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT xếp hạng 55/63 (giữ nguyên thứ hạng so với năm 2012, xếp hạng trung bình); Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT xếp hạng 55/63 (tụt 11 bậc so với năm 2012, xếp hạng trung bình).