DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 29/09/2013 22:05
DIC - Để không ngừng phát huy dân chủ cơ sở, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; đặc biệt là thông tin về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và các kiến thức pháp luật; công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở (TTCS) đóng một vị trí hết sức quan trọng. Và có lẽ không có phương thức tuyên truyền nào nhanh, kịp thời, sâu rộng, tiện lợi mà lại hiệu quả, ít tốn kém đến với người dân như hệ thống TTCS. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ thông tin như hiện nay đã đặt ra cho TTCS không ít thách thức mới.
Trên thực tế, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số thường lên nương từ rất sớm và họ ở đó cả ngày cho tới tối mịt mới về nhà. Vì thế việc tập hợp được đầy đủ bà con để tuyên truyền là hết sức khó. Trong khi đó, bà con đồng bào dân tộc lại rất thích nghe đài, đặc biệt là người lớn tuổi, họ có thói quen mang theo một chiếc đài nhỏ bên mình và nghe mọi lúc, mọi nơi. Nếu phát huy tốt hệ thống TTCS, người dân sẽ có nhiều hơn cơ hội tiếp thu được những thông tin bổ ích, thiết thực trong cuộc sống hằng ngày từ phương thức truyền thông này. Nói như vậy để thấy rằng, TTCS có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.Ông Lò Văn Chơi, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn (huyện Mường Chà), cho biết: Xã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền để nâng cao sự hiểu biết cho người dân, đặc biệt là các kiến thức về pháp luật như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình; các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất... Tuy nhiên, rất khó để tập trung đầy đủ được bà con, đặc biệt là vào thời gian mùa vụ. Vì thế theo ông Chơi hiệu quả nhất vẫn là hệ thống TTCS vì dù ở bất cứ đâu trong vùng phủ sóng nhân dân cũng có thể nghe được.Nhiều năm trở lại đây, tỉnh, huyện và xã đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền này, bằng cách phối hợp chặt chẽ với đài phát thanh truyền hình tỉnh và trạm phát sóng nâng cao chất lượng và thời lượng phát thanh, nên hiệu quả công tác tuyên truyền thấy rõ, bà con trên địa bàn đã biết áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt là trong chăn nuôi.Song một vấn đề được đặt ra ở đây là làm sao để giữ được vị trí của TTCS, trước sự bùng nổ thông tin và các phương tiện truyền thông hiện nay, đặt ra những thách thức rõ ràng cho duy trì và phát triển TTCS.Thách thức đến từ lợi thế: Lợi thế của sóng truyền thanh là người dân có thể nghe thông tin từ chương trình truyền thanh ngay trong khi đang làm việc và thực tế cho thấy có những nội dung mà chỉ có đài truyền thanh phường, xã, thôn bản mới có (ví dụ như: Cấy cày, thời vụ, làng trên xóm dưới, rồi các hoạt động của địa phương như bầu cử, đại hội, tiêm chủng, hội họp, ma chay, hiếu hỷ... :Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, báo in và báo hình có những bước đột phá, ngay cả điện thoại di động cũng có chức năng cung cấp nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân, nên hệ thống truyền thanh cơ sở ở khu vực nội thị thường gặp khó khăn; cá biệt, một số người dân còn có phản ứng tiêu cực cho rằng hệ thống loa phường và nhất là những thông tin mà nó phát ra thường gây ra nhiều phiền toái - thậm chí là ô nhiễm âm thanh đối với cư dân đô thị. Vì vậy, truyền thanh cơ sở ở nơi đô thị chưa thực sự được người dân coi trọng.Thách thức về công nghệ và chất lượng nội dung thông tin:Theo quy hoạch tần số vô tuyến điện, các Đài truyền thanh cơ sở (Truyền thanh không dây) chỉ được phát ở băng tần 54-68 (Mhz) và công suất tối đa không quá 50W. Tuy nhiên, hiện nay các máy thu rađio đang lưu thông trên thị trường vẫn là loại cho thu ở băng tần 87-104(Mhz), như vậy khi hệ thống TTCS phát lên thì chỉ những cụm thu phát loa truyền thanh trong hệ thống mới thu và phát được, còn đối với radio lại không thu được (mặc dù nằm trong khu vực phủ sóng). Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống này cũng bộc lộ những nhược điểm nhất định trên các mặt: Nội dung thông tin, chất lượng âm thanh, kỹ thuật truyền dẫn, thời điểm, thời lượng, âm lượng… Ngoài ra còn có những khó khăn, bất cập khác về cơ chế tổ chức, quản lý, về chế độ, chính sách đối với những người làm truyền thanh cơ sở… Đặc biệt, phương thức quản lý hệ thống đài truyền thanh cơ sở ở nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Mỗi địa phương có những cách tổ chức, quản lý và hoạt động cho hệ thống đài TTCS khác nhau. Việc cấp phát kinh phí, biên chế, trang thiết bị vật chất - kỹ thuật... cho đài cơ sở cũng có những sự khác biệt rất lớnNăm 2011, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo giai đoạn 2011 – 2015”, trong đó có các dự án đầu tư phát triển các đài TTCS. Đây là dự án quan trọng nhằm mở rộng diện phủ sóng và tăng cường thông tin cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Song để giữ vững vai trò, vị thế của TTCS trong đời sống đồng bào các dân tộc, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới một cách có hiệu quả thì trước hết cần phải quan tâm đến quyền lợi của những người trực tiếp làm công tác này; phải coi trọng việc đầu tư về con người và cơ sở vật chất cho hệ thống đài TTCS; thường xuyên chỉ đạo chặt chẽ về nội dung, đề ra các mục tiêu tuyên truyền cho từng thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên để nâng cao trách nhiệm và trình độ nghiệp vụ cho những người làm phát thanh, truyền thanh cơ sở. /uploads/news/2013_09/dsc00786_1.jpg Cán bộ kỹ thuật Sở TT&TT tỉnh kiểm tra thiết bị truyền dẫn tại Đài TTCS xã Thanh Chăn huyện Điện Biên