DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 22/09/2013 21:20
Đ/c Giàng Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số Sở, ngành chứng kiến ký kết chương trình phối hợp giữa Sở TT&TT - Sở Nội Vụ (Ảnh: Thanh Nam)
DIC - Theo các số liệu báo cáo, thống kê của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu có uy tín ở Việt Nam và trên thế giới, hiện nay công nghệ thông tin (CNTT) có nhịp độ đổi mới công nghệ rất nhanh (bình quân trong vòng 12 tháng) và tốc độ hao mòn vô hình giảm nhanh (khoảng 30% mỗi năm). Đây là một đặc thù của dự án trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển CNTT, nơi có độ rủi ro (mạo hiểm) lên đến 50%. Các dự án ứng dụng CNTT, đặc biệt là dự án ứng dụng phần mềm có tỷ lệ thất bại cao đến như vậy là vì sao?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những thất bại của dự án ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức, có những nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hậu quả sự thất bại là nhận thức chưa đầy đủ của cơ quan, tổ chức hay những cá nhân đối với việc triển khai ứng dụng CNTT là để làm gì, mong muốn đạt được gì và thực tế sẽ đạt được kết quả như thế nào. Nếu không nhận thức đúng đắn sẽ dẫn đến những ảo tưởng về việc ứng dụng CNTT hay có thể gọi là "phi thực tế". Khi ý tưởng về dự án CNTT được đề xuất, xu thế chung của những người có nhận thức chưa đầy đủ sẽ là "phần mềm này rất tuyệt vời, chỉ cần ứng dụng một tý là xong, triển khai phần mềm này trong cơ quan sẽ giúp chúng ta giải quyết hết mọi vấn đề, mọi việc sẽ được tự động hóa hoàn toàn, ấn enter một cái là ra…" mà quên mất rằng CNTT hiện chỉ là công cụ giúp cho bộ máy hoạt động tốt hơn mà thôi. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thì chính lãnh đạo lại hay sa vào cái bẫy này nhất. Sự chênh lệch giữa những khó khăn vấp phải và kết quả của từng giai đoạn triển khai thực tế với bức tranh được thêu dệt từ những mong muốn phi thực tế là nguyên nhân sâu sa cho sự thất bại của dự án. Nguyên nhân thứ hai là thiếu sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đặc điểm của đa số các dự án ứng dụng CNTT là gây ảnh hưởng, tác động lớn và trực tiếp tới hoạt động của cơ quan, tổ chức làm thay đổi thói quen, cách thức làm việc hằng ngày của nhiều người. Thậm chí nhiều dự án đòi hỏi phải tổ chức, bố trí lại nhân sự cho phù hợp. Như vậy, nếu người lãnh đạo cấp cao nhất không trực tiếp đứng ra chỉ đạo giải quyết những thay đổi cần thiết này thì cơ may thành công của dự án gần như không có. Thứ ba: Thiếu sự tham gia của những người có liên quan: Như đã nói trên, các dự án ứng dụng CNTT thường liên quan đến nhiều bộ phận và cá nhân trong tổ chức. Nhiều ứng dụng CNTT còn có liên quan đến cả các cơ quan, tổ chức cá nhân ở bên ngoài (cung cấp dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử liên thông…). Nếu tất cả hoặc một bộ phận không hiểu, không tham gia, không đồng lòng, không cùng được đào tạo, huấn luyện đầy đủ thì sự gẫy vỡ ở một khâu có thể sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống. Thứ tư: Thiếu nhân lực phù hợp. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả triển khai dự án CNTT không được như mong muốn và có thể thất bại là nhân lực triển khai. Để triển khai ứng dụng CNTT trong một công việc bất kỳ nào, những người triển khai chính cần có sự hiểu biết ở cả lĩnh vực: kiến thức chuyên môn và kiến thức về CNTT. Những người này có vai trò như cầu nối giữa công tác chuyên môn và ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, tình trạng chung hiện nay của những người tham gia triển khai các dự án CNTT là cán bộ CNTT thì không biết về chuyên môn, còn cán bộ chuyên môn thì không am hiểu về CNTT. Ngoài ra, việc thiếu cán bộ chuyên trách về CNTT có đủ trình độ để quản trị hệ thống sau khi được đầu tư cũng là nguyên nhân dẫn đến sự không bền vững của dự án. Thứ năm: Đầu tư không đủ "ngưỡng". Nhiều dự án ứng dụng CNTT tổng hợp đòi hỏi phải được đầu tư đồng bộ cả về phần cứng, phần mềm, đào tạo chuyển giao. Do đó, kinh phí cần phải được cấp đủ, trong một khoảng thời gian ngắn để có thể thực hiện được đồng bộ việc lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay do nhận thức và khó khăn về mặt kinh phí nên nhiều dự án CNTT được cấp kinh phí "nhỏ giọt" để thực hiện từng phần trong khoảng thời gian dài dẫn đến hệ thống khi được đầu tư đủ thì sẽ thiếu đồng bộ làm ảnh hưởng đến mặt kỹ thuật, hiệu quả thực hiện dự án. Trên đây chỉ là năm nguyên nhân cơ bản trong số rất nhiều nguyên nhân làm cho việc triển khai dự án ứng dụng CNTT nói chung, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước nói riêng chưa đạt được hiệu quả cao và thất bại so với mục tiêu đề ra. Nếu không khắc phục những vấn đề cơ bản này, chắc chắc việc triển khai hiệu quả dự án ứng dụng CNTT vẫn là bài toán khó./.