DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 24/09/2013 21:53
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, đề án cùng nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
/uploads/news/2013_09/lay-cai-nay-lam-anh-bai-viet-cua-e-chi-nhe.jpg Cán bộ Trung tâm CNTT&TT hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến độ KH&CN tại xã Mường Phăng huyện Điện Biên (Ảnh: Trọng Nghĩa) Với chức năng, nhiệm vụ được giao Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, đề án, dự án để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước như: Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015; Dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin các sở, ngành; Đề án xây dựng "Chính quyền điện tử" đến năm 2015 và định hướng đến 2020; Dự án hội nghị truyền hình trực tuyến… Cũng từ đó, việc ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị, CBCC,VC ở cấp tỉnh, cấp huyện đã và đang từng bước thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT cho đối tượng cán bộ cấp xã, phường hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nguyên nhân một phần do trình độ của đội ngũ CBCC cấp xã của tỉnh còn thấp so với qui định. Theo số liệu thông kê của Sở Nội vụ, đến hết tháng 6 năm 2012 tỉnh ta có 4.392 cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã); trong đó 78 CBCC có trình độ đại học (chiếm 1,8%); cao đẳng 84 người (chiếm 1,9%); trung cấp 1.622 người (chiếm 36,9%); sơ cấp 712 người (chiếm 16,2%) còn lại 1.896 CBCC chưa qua đào tạo (chiếm 43,1%). Số CBCC cấp xã được tiếp cận và được đào tạo tin học chưa cao, chỉ có 975 CBCC cấp xã được đào tạo cấp chứng chỉ tin học (bằng 22,2%); trong đó huyện Mường Nhé có 30/170, Tủa Chùa có 31/117, Điện Biên có 126/223 CBCC được đào tạo tin học. Do vậy, trong việc tiếp cận, ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn tại các xã, phường, thị trấn rất hạn chế.Để thực hiện mục tiêu hướng tới Chính phủ điện tử thì phải có cán bộ công chức điện tử. Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012 - 2015, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện; phối hợp với các ngành, các huyện tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông cho cán bộ cơ sở, kiến thức, kỹ năng sử dụng máy tính trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Năm 2012, Sở đã thực hiện đào tạo kiến thức CNTT cho 40 cán bộ ở các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Ảng. Căn cứ Quyết định số 1831/QĐ-TTg, ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 3363/QĐ - BKHCN, ngày 21/10/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt kinh phí, cơ quan chủ trì, cơ quan chuyển giao công nghệ và thời gian thực hiện của các dự án do Trung ương quản lý thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015”. Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình đưa thông tin khoa học và công nghệ xuống một số xã biên giới tỉnh Điện Biên”. Sở đã cử cán bộ xuống địa bàn 20 xã đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho 40 CBCC cấp xã, gần 400 người dân các xã được thụ hưởng dự án của 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Triển khai dự án, chính quyền các xã được trang bị điểm thông tin khoa học và công nghệ hiện đại, trang bị đồng bộ các thiết bị CNTT, truyền thông tiên tiến (máy vi tính, ti vi, đầu đĩa, máy in Laser, máy ảnh kỹ thuật số, kết nối Internet...). Đội ngũ cán bộ chuyên trách, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được đào tạo để tiếp nhận, triển khai và phát huy hiệu quả của dự án để phổ biến tri thức và chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, được nâng cao khả năng tin học phục vụ công tác chuyên môn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Người dân được cung cấp một thư viện điện tử và các cơ sở dữ liệu với nội dung thông tin phong phú về kiến thức dưới nhiều hình thức thuận tiện với trên 95.000 tài liệu và hơn 450 phim khoa học và công nghệ đã được số hóa về tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế (nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ), xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển làng nghề, văn hóa. Căn cứ vào nguồn kinh phí ứng dụng CNTT, các nguồn dự án và hỗ trợ khác, trong những năm tiếp theo Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai đào tạo, bồi dưỡng trình độ CNTT cho cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho cán bộ cấp xã rất cần sự quyết tâm nỗ lực của chính đội ngũ CBCC cấp xã, sự phối hợp của các cơ quan chức năng huyện, tỉnh nhằm tăng cường cơ sở vật chất và nguồn lực. Có như vậy, việc triển khai ứng dụng CNTT sẽ được thông suốt, hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử tại Việt Nam./.