DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 27/04/2016 04:06
Năm 2015, với 9 triệu hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua đường bưu điện, chi phí tiết kiệm được cho người dân ước tính tối thiểu 1.602 tỷ đồng.
Con số đáng lưu ý trên vừa được ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp công bố tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện diễn ra sáng nay, 26/4/2016, tại Hải Phòng. Hội nghị được tổ chức nhằm thu thập ý kiến đóng góp trực tiếp của cán bộ làm công tác giải quyết thủ tục hành chính và nhân viên bưu điện về những quy định trong Dự thảo Quyết định để đưa ra dự thảo hoàn hảo, khả thi nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính. /uploads/news/2016_04/20160426-m3-1.jpg Con số ấn tượng 1.602 tỷ đồng tiết kiệm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân vừa được công bố tại Hội nghị sáng nay ở Hải Phòng. Ông Ngô Hải Phan cho biết: “Mỗi ngày toàn quốc có tối thiểu 600.000 giao dịch liên quan tới thủ tục hành chính. Theo cách thức truyền thống, người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp gặp cán bộ giải quyết thủ tục hành chính hoặc bộ phận một cửa để nghe hướng dẫn, sau đó lại trực tiếp đến gặp cán bộ giải quyết thủ tục hành chính hoặc bộ phận một cửa để lấy kết quả. Người dân, doanh nghiệp phải bỏ nhiều công sức, chi phí đến cơ quan hành chính để giải quyết thủ tục hành chính rồi lấy kết quả. Nếu sử dụng dịch vụ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện, người dân có thể đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất hoặc ngồi tại nhà nộp hồ sơ cho cơ quan hành chính, bưu điện sẽ nhận trách nhiệm mang hồ sơ đó nộp cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, sau đó, bưu điện lại mang kết quả trả cho người dân. Dịch vụ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện tiết kiệm rất nhiều chi phí, công sức cho xã hội”. Ông Ngô Hải Phan cũng công bố tính toán sơ bộ của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2015, đã thực hiện 9 triệu hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua đường bưu điện (các thủ tục hành chính liên quan đến cấp chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội...), đã tiết kiệm cho người dân tối thiểu 1.602 tỷ đồng. Bởi tổng chi phí khi trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết thủ tục hành chính là trên 1.836 tỷ đồng, nhưng nếu sử dụng dịch vụ của bưu điện thì chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra trên 234 tỷ đồng (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính). “Với 600.000 giao dịch tối thiểu mỗi ngày sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính”, ông Ngô Hải Phan nêu vấn đề đáng lưu ý. “Việc triển khai tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện không những tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế nguy cơ tham nhũng, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của loại hình dịch vụ công ích, khẳng định uy tín và vai trò của ngành Bưu điện đối với cộng đồng”, bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam nhấn mạnh thêm. /uploads/news/2016_04/20160426-m4.jpg Đông đảo cán bộ làm công tác giải quyết thủ tục hành chính, nhân viên bưu điện và bưu tá đã tham gia và đóng góp ý kiến tại Hội nghị. Được biết, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện. Dự thảo đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, Bộ ngành, địa phương. Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp hoàn chỉnh để trình Thủ tướng ban hành. Dự thảo Quyết định gồm 17 điều, nhằm điều chỉnh cơ chế tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện và những vấn đề pháp lý có liên quan với những quy định cụ thể như: Không điều chỉnh việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân không được ủy quyền mà phải có mặt để trực tiếp nộp và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Cho phép tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn gửi hồ sơ hoặc nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện; Quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan. Dự thảo Quyết định cũng quy định rõ nguyên tắc quyền lựa chọn của các tổ chức, cá nhân trong việc nộp phí, lệ phí thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu điện, như: chuyển khoản đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; chuyển khoản hoặc nộp phí, lệ phí trực tiếp cho tổ chức bưu điện để chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; hoặc phương thức khác nếu được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính chấp thuận./.