DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 17/07/2016 20:47
DIC - Truyền thanh cơ sở là một kênh thông tin quan trọng để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, địa phương đến với đông đảo người dân; là diễn đàn thể hiện quyền được biết, được bàn của nhân dân, đồng thời góp phần trang bị kiến thức, nâng cao dân trí, chống phá mọi âm mưu phản động của các thế lực thù địch, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã, đang quan tâm đầu tư cho sự nghiệp phát thanh, truyền thanh cơ sở, trong đó có việc triển khai xây dựng các trạm phát sóng khu vực, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã để nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình phát thanh. Đến nay toàn tỉnh có 44/130 xã phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở. Trong đó có 22 đài được đầu tư từ Chương trình Mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2011-2015; còn 22 đài được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và từ các nguồn khác. Các đài này đều được đầu tư trong giai đoạn năm 2007-2015 và hoạt động theo phương thức là truyền thanh vô tuyến (truyền thanh không dây phát sóng FM), phương thức này có ưu điểm là ít chịu tác động của môi trường và thời tiết, tiện dụng, ít hỏng hóc, chi phí bảo hành ít, thay đổi vị trí cụm đặt loa thuận tiện và cơ động linh hoạt. /uploads/news/2016_07/45345.jpg Hệ thống thiết bị đài truyền thanh cơ sở. /uploads/news/2016_07/7556757_1.jpg Cột thu phát sóng - Đài truyền thanh cơ sở. Với 44 đài truyền thanh cơ sở thì mỗi đài có 01 cán bộ làm công tác quản lý, vận hành, trong đó có 5 cán bộ không chuyên trách được hưởng phụ cấp 0,5 mức lương cơ sở/ người/tháng theo quy định, 39 cán bộ cán bộ kiêm nhiệm. Các cán bộ này ngoài nhiệm vụ chính phải kiêm luôn cả công việc vận hành, khai thác và quản lý kỹ thuật, biên tập và thể hiện bản tin hàng ngày. Do địa hình đồi núi, các bản cách xa nhau nên đa số đài truyền thanh cấp xã mới chỉ phủ sóng được khu vực trung tâm xã và một số thôn bản lân cận. Trong số 44 Đài thì chỉ có 40 Đài Truyền thanh thường xuyên hoạt động. Hầu hết các Đài Truyền thanh cấp xã đều chưa có không gian làm việc thích hợp, chưa có địa điểm riêng mà phải đặt ghép cùng bộ phận khác của UBND xã. Hệ thống cơ sở hạ tầng Đài truyền thanh cơ sở cấp xã đã được quan tâm nhưng vẫn còn chưa thỏa đáng. Hiện tại số lượng đài truyền thanh còn rất thấp so với tổng số xã. Hệ thống phát thanh của Đài truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn gặp rất nhiều khó khăn do được đầu tư bằng nhiều nguồn kinh phí nên thiết bị được đầu tư chưa đồng bộ; một số thiết bị tuy mới được đầu tư nhưng đã bị hỏng hóc do chưa có cơ chế chính sách như duy tu, bảo dưỡng, thay thế, nâng cấp sau đầu tư, cùng với tác động của điều kiện thời tiết, môi trường... ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng phát thanh. Mặt khác, do địa bàn rộng, đồi núi hiểm trở, dân cư phân bố phân tán, các bản ở cách xa trung tâm lên việc tiếp sóng khó khăn. Để Đài truyền thanh cơ sở cấp xã hoạt động hiệu quả hơn, trong giai đoạn tới cần tiến hành đầu tư mới, đồng bộ công nghệ truyền thanh không dây. Các xã cần quan tâm bố trí cán bộ, địa điểm, không gian hợp lý cho hoạt động của Đài truyền thanh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phát thanh và tăng thời lượng tiếp âm, năng lực sản xuất, phục vụ nhu cầu các khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các xã, phường./.