DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 03/09/2015 22:02
Xoè vòng - điệu múa truyền thống của dân tộc Thái ở thị xã Mường Lay (Ảnh: Thu Thủy).
Điện Biên là một tỉnh đa dân tộc, mỗi dân tộc đều có niềm tự hào về những di sản văn hóa do cha ông gây dựng và trao truyền. Nếu văn hóa của người Lào gắn liền với điệu múa Lăm Vông nhẹ nhàng, uyển chuyển thì người Thái lại phong phú với “Nghệ thuật Xòe” như Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai. Trong đó Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái.
/uploads/news/2015_09/img_4173.jpg Xoè vòng - điệu múa truyền thống của dân tộc Thái ở thị xã Mường Lay (Ảnh: Thu Thủy). “Xòe” theo tiếng Thái nghĩa là múa, Nghệ thuật Xòe Thái được hiểu là nghệ thuật trình diễn các điệu múa dân gian của dân tộc Thái, qua các điệu múa giúp người thưởng thức hiểu được nét đẹp văn hóa đặc trưng của một dân tộc. Từ lâu, Nghệ thuật Xòe Thái đã đi vào văn học, thơ ca để lưu giữ và mô tả về nét văn hóa giàu sắc thái bản địa và vẻ đẹp độc đáo trong loại hình nghệ thuật này. Nghệ thuật Xòe đã trở thành phong tục của người Thái, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, nó cuốn hút mọi người rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các cuộc vui. Nghệ thuật Xòe được coi là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau và trở thành biểu tượng của tình đoàn kết. Không những thế, Nghệ thuật Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tình hạnh phúc. Nghệ thuật Xòe Thái đã mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng nó không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội. Nghệ thuật Xòe Thái là loại múa đồng diễn, múa đông người, múa tập thể. Đội hình thường gặp là vòng tròn, hai hàng dọc ngang có thêm nhảy đổi chỗ cho nhau. Trong số những điệu Xòe của nghệ thuật Xòe Thái, Xòe vòng là điệu Xòe không hạn chế về số người tham gia, động tác đơn giản nhịp nhàng, múa mà không cần có đạo cụ, chỉ là cái nắm tay ấm áp tình người và chân bước theo nhịp điệu xòe. Còn lại những điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai là những điệu Xòe mang tính chất biểu diễn, bắt buộc phải có nhạc cụ, đạo cụ, giới hạn người tham gia, có đội hình, có biên đạo và thường được sử dụng nhiều trên sân khấu. Nghệ thuật Xòe Thái phát triển đến nay là một minh chứng lịch sử cho sự phát triển của nghệ thuật múa dân gian Việt Nam. Dù trải qua bao sóng gió thăng trầm, Nghệ thuật Xòe Thái không nhạt phai trong nhịp sống đương đại mà vẫn hiện hữu khẳng định sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc. Di sản Nghệ thuật Xòe là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Thái, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Càng tự hào hơn đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên khi nghệ thuật Xòe Thái được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều đó sẽ là cơ sở, là động lực để tỉnh Điện Biên tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Đồng thời, giới thiệu quảng bá sâu, rộng nghệ thuật Xòe thái Điện Biên tới bạn bè, du khách trong nước và trên thế giới thông qua nhiều hình thức, trong đó có các dịch vụ du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước./.