DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 06/09/2015 23:43
Du khách nước ngoài thăm đồi A1.
Một vùng đất có hai tên - Mường Thanh (Mường Then, tức Mường Trời) là tên gốc, có từ nghìn xưa của xứ Thái; Điện Biên Phủ là cái tên về sau. Có điều, cả hai địa danh này đều nổi tiếng. Nhắc tới Mường Thanh là người Thái, dù trong nước hay thế giới đều mong được đến một lần. Nhắc tới Điện Biên Phủ là triệu triệu người muôn phương đã hiểu ngay, bừng bừng ý chí dân tộc.
/uploads/news/2015_09/du-khach-nuoc-ngoai-tham-doi-a1_1.jpg Du khách nước ngoài thăm đồi A1. “Mường Thanh là Mường Trời” Mường Thanh là Mường Trời/ Sinh ra người con gái Thái/ Bước ra từ rừng hoa ban… Đến thăm Điện Biên Phủ, ít có ai là không bị cuốn hút vào điệu hát ngọt ngào, đậm đà bản sắc đấy. Đó là phần mở đầu trong ca khúc nổi tiếng của Vương Khon - một nhạc sỹ người Thái chính gốc. Từ khi ra đời (đã hơn chục năm nay), bài hát ngay lập tức đã trở thành “Mường Thanh ca”, bởi “đúng quá” chất quê mình, giai điệu cũng như ca từ như… “bước ra” từ Mường Thanh huyền thoại. Mường Thanh xưa, cùng với Mường Lò (Nghĩa Lộ) là một trong những cái nôi của người Thái đen. Tính từ hơn một nghìn hai trăm năm trước, thời gian nhiều cuộc thiên di của người Thái từ Vân Nam (Trung Quốc) vào Việt Nam, rồi đến Mường Thanh cho đến nay, dù có cải biến để hòa nhập với xã hội hiện đại, nhưng về cơ bản, bản sắc của những người con xứ hoa Ban vẫn trọn vẹn. Trang phục phụ nữ váy, khăn piêu áo cóm, nhà ở nhà sàn mu rùa, khắp (hát nói), đôi lứa tìm hiểu bằng chọc sàn, lễ hội xên mường và nhiều sinh hoạt văn hóa tâm linh khác. Điều này đã được GS TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhiều lần khẳng định: “Người Thái đen Mường Thanh có công lớn trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Họ chính là một phần của cái nôi người Thái thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là phải biết, phục dựng đúng những gì tinh hoa của văn hóa ông cha”. Nói chuyện "cái nôi", có thể nhiều người Điện Biên trong đó có người Thái chưa hiểu vị trí to lớn của dân tộc mình, nhưng một số người Thái Mường Thanh được xuất ngoại rất tự hào. Ông Lò Văn Ơn, nghệ nhân chế tác biểu diễn nhạc cụ dân tộc Thái, ở xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) đã vài lần cùng các nghệ nhân dân gian Mường Thanh sang Thái Lan nói chuyện, khắp (hát), biểu diễn nhạc cụ truyền thống Thái. Lí do người Phu Thay (người Thái - Thái Lan) mời là… hết sức dân tộc - Họ muốn được tay bắt mặt mừng, trực tiếp nghe tiếng nói, tiếng hát, tiếng pí (sáo) của chính người Thái từ mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Theo lời ông Ơn, điều rất thán phục là người Phu Thay Thái Lan dù ở đất nước hiện đại nhưng từ già đến trẻ đều rất trọng gốc rễ, bản sắc dân tộc. Ngôn ngữ, nhà ở, trang phục, món ăn, sinh hoạt… của họ nhiều nét giống vẫn y nguyên người Thái đen Mường Thanh. Điều ngạc nhiên, họ có nhiều sách Thái cổ; nhiều người già thuộc, hát sử thi Tay Pú Xấc (sử thi cổ, quen thuộc của người Thái Tây Bắc Việt Nam). Trong sử thi có phần quan trọng là “chỉ đường về quê”… Người đi, hành trình gian khổ, qua nhiều địa danh, rồi đến đích cuối cùng là Mường Thanh. Tương tự người Thay đeng ở Lào cũng có mối quan hệ lịch sử, văn hóa với người Thái ở Mường Thanh. Điều này, có thể dễ dàng nhận ra, ngôn ngữ, văn hóa của người Thái ở Lào và Thái ở Mường Thanh có nhiều điểm giống nhau. Và, còn nhiều những người Thái ở Pháp, Mỹ,… giao tiếp hằng ngày chủ yếu là nói tiếng Pháp, tiếng Anh, trở thành những thương gia, những lao động tất bật nơi xứ người nhưng trong tim vẫn… quê hương chỉ một Mường Thanh. Còn bản thân, nội tại Mường Thanh, tính chất cái nôi thể hiện rõ nhất dịp lễ hội xên mường xưa. Đây là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội của người Thái. Nó có khả năng qui tụ từ người cao nhất mường đến người dân trong bản vắng. Tất cả chung một dòng chảy tâm linh, hướng tới những điều tốt đẹp nhất cho mường bản. Hòa hợp với thiên nhiên, thuận theo lẽ trời đất… ấy là cái gốc tâm linh bao đời của xên mường. Việc xên mường (cúng của mường) để nói chuyện với trời đất, để luôn có sự cân bằng giữa con người với thiên nhiên, con người với con người, và ngay chính trong chiều sâu thể xác, tâm hồn mỗi người. Xuất phát từ cái gốc thiên nhiên trời đất với những điều tốt đẹp nhất của sự hòa hợp ấy; theo dòng lịch sử, những cuộc thiên di, khai sơn phá thạch, lập bản dựng mường, chống ngoại xâm, dẹp nội phản; những tiền nhân, nhân vật lịch sử được khắc ghi công ơn trong Lễ Xên mường Mường Thanh. Đó là những tiền nhân vô danh, những nhân vật lịch sử như: Lạng Chượng (Thế kỷ XIII, có công khai mở, giữ yên bản mường); Hoàng Công Chất (thế kỷ XVIII, cùng tướng Ngải, tướng Khanh người Thái đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh), họ là những anh hùng chiến đấu, anh hùng văn hóa mà truyền thống người Thái Mường Thanh luôn khắc ghi. Các lễ hội Xên Mường, trước đó là Hạn Khuống, khắp (hát) dân ca Thái đã sống dậy; Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên, Lễ hội Hoa ban được tổ chức năm 2014, 2015 và sẽ được tổ chức định kỳ vào tháng 3 hằng năm tại tỉnh Điện Biên, tất cả đang là những việc làm cụ thể để Mường Thanh hôm nay, mai sau luôn đậm đà, hấp dẫn. “Điện Biên gọi tôi lên” Câu thơ của nhà thơ, Đại tá Nguyễn Hữu Quý (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) trong bài thơ cùng tên đã nói thay nỗi lòng tâm trạng của triệu triệu người trong nước, quốc tế. Tôi nhớ một sự lạ, trưa 1/5/2004, đường Mường Phăng bị tắc! Xe ca, xe con, xe máy, người đi bộ… ken ken kìn kìn. Nam nữ già trẻ, miền Bắc, miền Nam, “Tây”, “Ta”… được dịp “Điện Biên cho” trò chuyện với nhau, hơi xăng liền nhau, hơi thở liền nhau, ngắm nhau như phố Hà Nội, Sài Gòn. Chuyện đón khách lên Điện Biên, có một chuyện vui vui thôi, nhưng tôi cứ lăn tăn mãi. Ấy là ông Thái, 84 tuổi, thương binh trận A1, hiện ở Hạ Hòa (Phú Thọ), trốn nhà lên thăm chiến trường xưa. Chuyện là thế này… Một đêm, tôi nhận được điện của con trai ông, giọng hốt hoảng: “… Bố anh đi đâu mất rồi… khả năng là lên chỗ chú, năm nay lúc nào ông cũng nhắc tới Điện Biên”. Theo phản xạ nguy cấp, tôi phi xe máy ra ngay bến xe khách. Gặp ông cười tươi, khỏe khoắn, nói cười rổn rảng. Đợi mấy phút cho ông hết thăng hoa, tôi hỏi thật chuyện trốn nhà và ông cũng nói thật. Tôi phải cho sóng Vina “về quê” thú tội thay ông. Hai ngày, bác cháu đi hết các điểm di tích, nơi trận đánh xưa, ông như trẻ lại. Tôi vui cùng ông nhưng cứ gợn gợn, gì thì mình cũng là “tòng phạm”. Tôi đã chia sẻ điều này với nhiều du khách, họ làm tôi yên lòng - Đến Điện Biên, trẻ muốn đi, già muốn thêm lần dối già nữa. Điện Biên hôm nay đã đổi thay đến ngỡ ngàng. Được sự đầu tư, quan tâm của trung ương, các tỉnh bạn, sự nỗ lực vươn lên của nhân dân các dân tộc, Mường Thanh hôm nay, nói như kiểu người già thì “Đổi thay như có phép Giàng”. Sông Nậm Rốm, kênh Nậm Rốm mềm mại, đồng Mường Thanh lúa ngô xanh mướt, đâu đây câu khắp vang ngân, trong tim tự nhiên có nhịp trống xòe. Điện Biên là của cả nước, nhân dân các dân tộc xứ hoa Ban tự hào về điều đó, càng gắng sức quyết tâm vượt gian khó. Điện Biên Phủ hôm nay, rực rỡ cờ đỏ bay và hoa Ban, khăn piêu, áo cóm, vòng xòe ấm no đoàn kết. Điện Biên Phủ - Mường Thanh, hai tên mà một. Một vùng đất lịch sử văn hóa hòa quyện./.