DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 27/08/2015 23:43
Hoa Ban trên đường phố Điện Biên.
Tối 13/3/2015 tại Quảng trường 7/5 - thành phố Điện Biên Phủ, Lễ hội hoa Ban 2015 đã được khai mạc. Đây là lần thứ hai lễ hội hoa ban được tổ chức vào thời điểm này khi mà hoa Ban đang nở trắng trên các triền núi thung lũng Mường Thanh và dọc các trục đường chính thành phố Điện Biên Phủ. Một lần nữa với tư cách loài hoa đặc trưng của Điện Biên - Tây Bắc, hoa Ban xứng đáng được Ban tổ chức chọn làm tiêu đề của chương trình nghệ thuật: “Về miền hoa Ban”...
Có thể nói rằng thiên nhiên cũng thật lãng mạn khi chiều cho ý nguyện của con người. Năm ngoái nhuận hai tháng Chín âm lịch nên dường như thời gian trôi chậm lại, đợi cho hoa ban bung hết cánh vào đúng dịp diễn ra lễ hội. Được biết chương trình nghệ thuật “Về miền hoa ban” được thực hiện với sự chỉ đạo nội dung của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Điện Biên. Chỉ đạo thực hiện là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch; đơn vị tổ chức thực hiện là Đoàn Nghệ thuật Điện Biên. Ngày nay, nói đến hoa ban người ta thường nhớ về Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung. Đây là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, gắn với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Mảnh đất anh hùng và thơ mộng này luôn được điểm trang mỗi mùa ban nở, từ lâu đã thấm sâu trong tiềm thức của bà con các dân tộc trên địa bàn. Không chỉ đi vào truyền thuyết, hoa ban còn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày qua ca dao, tục ngữ, những điệu dân vũ, qua những đường nét hoa văn giàu biểu cảm trên trang phục các dân tộc thiểu số... Còn nhớ hơn 4 tháng trước lúc lễ hội hoa ban 2015 chuẩn bị diễn ra, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên - người viết kịch bản văn học cho lễ hội hoa ban 2015. Bằng sự trải nghiệm của một người có thâm niên 34 năm công tác trong ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: Nhằm định vị thương hiệu du lịch, với tiêu đề “Về miền hoa ban”, các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trương tổ chức lễ hội hoa ban thường niên vào mỗi dịp hoa ban nở, gắn với kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13 tháng 3 hàng năm). Đây là chủ trương phù hợp với nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh hoa ban nói riêng, vẻ đẹp của mảnh đất - con người Điện Biên nói chung, đến đông đảo bạn bè trong nước, khu vực và rộng ra là quốc tế”. Năm xưa cha anh đã hy sinh xương máu để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”, thì giờ thế hệ hậu sinh chúng ta cũng đưa hình ảnh của hoa ban Điện Biên Phủ “đến với năm châu”. Xuất phát từ ý tưởng đó nên năm sau (2016), lễ hội hoa ban Điện Biên sẽ được tổ chức với quy mô 8 tỉnh Tây Bắc tham dự (thay vì 10 đơn vị trong tỉnh như năm nay). Đi xa hơn, trong tương lai là các lễ hội hoa ban Điện Biên, với sự tham dự của đại diện đến từ các tỉnh bắc Lào và vùng Vân Nam - Trung Quốc. Trong cảm xúc của người khát khao khám phá, một ngày đầu tháng 3/2015 tôi lên trụ sở Đoàn Nghệ thuật Điện Biên gặp Nghệ sỹ Ưu tú Điêu Khánh Thực - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Điện Biên - người được giao nhiệm vụ Tổng đạo diễn chương trình lễ hội hoa Ban Điện Biên 2015. Chị Điêu Khánh Thực thổ lộ: “Tôi chính gốc là người Thái nên hơn ai hết, tôi muốn thổi hồn, muốn hóa thân vào nhân vật huyền thoại “Nàng Ban”. Đây là người phụ nữ có số phận, có tính cách và cao hơn hết là dám chống lại cường quyền để bảo vệ sự trinh bạch, bảo vệ phẩm hạnh và bảo vệ tình yêu”. Dường như để chứng minh cho những “luận cứ” của mình, Nghệ sỹ Ưu tú Điêu Khánh Thực lý giải: Trong không khí của ngày hội xuân, hình ảnh chiếc khăn piêu duyên dáng không thể thiếu trên đầu các thiếu nữ. Chiếc khăn piêu không chỉ mang biểu tượng tinh thần, là đồ trang sức của những phụ nữ Thái, dân tộc Thái mà nó còn rất nhiều hữu ích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Thái. Mỗi chiếc khăn là một câu chuyện thể hiện qua họa tiết, sắc màu để nói lên tâm tư, tính cách của mỗi người phụ nữ. Trong đời, ai đã ít nhất một lần lên Tây Bắc đều không khỏi thẫn thờ trước những cô gái Thái trong trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen, dây xà tích sáng trắng trễ xuống bên hông... Ngay từ nhỏ, người con gái Thái được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu”, một loại thắt lưng bằng vải, để lớn lên các cô đều có thân hình thắt đáy lưng ong. Chính vì vậy khi trưởng thành, hầu hết các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong hoàn hảo và vô cùng tuyệt mỹ. Hàng cúc chất liệu bằng bạc mang hình con bướm “mák pém” cách điệu trên áo cóm, cũng mang ý nghĩa nhân sinh rất tinh tế. Một bên là hàng cúc hình bướm đực, một bên là hàng cúc hình bướm cái, ngoài ý nghĩa mỹ thuật còn ý nghĩa tâm linh và trên hết là ý nghĩa phồn thực, là sự trao gửi, hiến dâng thân xác cho người mình yêu. Phải chăng vì thế mà phụ nữ Thái ở lứa tuổi nào cũng có một cơ thể cân đối, gợi cảm và càng nổi bật hơn khi mặc trang phục của chính dân tộc mình? /uploads/news/2015_08/thieu-nu-thai-dien-bien-voi-hoa-ban.jpg Thiếu nữ Thái với hoa Ban (Thu Thủy). Về miền hoa Ban, mời quý khách cùng lắng nghe núi rừng kể về truyền thuyết hoa ban. Đó là mối tình trắc trở giữa chàng Khum (có thuyết là chàng Khun) và nàng Ban. Họ chính là hiện thân do đấng sinh thành - đất mẹ Mường Then nuôi dưỡng. Song để đến được với nhau, tình yêu của họ phải trải qua bao bão tố, trắc trở. Nhưng rồi cái chính nghĩa, sự yêu thương nồng nàn, chân thành, với trái tim khát khao mãnh liệt, cuối cùng tình yêu của họ đã được đền đáp - Họ đến với nhau trong sự bất tử, kết tinh thành đóa hoa ban xinh đẹp, tượng trưng cho khát vọng của con người về tình yêu, cao hơn mọi lễ giáo, định kiến, hóa giải mọi trở ngại, nguy nan, dối lừa và bất công trong cuộc sống đời thường./.