DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 25/12/2015 04:42
Với công suất 9,3MW thủy điện Nà Lơi là một trong 3 nhà máy đang hoạt động có công suất lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế thủy điện. Nắm bắt cơ hội đó, những năm qua tỉnh đã chủ trương đầu tư và phát triển mạnh công nghiệp thủy điện. Ngoài việc mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp, còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu, tạo đà để thủy điện thực sự phát triển tương xứng với nội lực vốn có, mang lại nguồn lợi đáng kể cho kinh tế, xã hội của địa phương.
Với 3 hệ thống sông chính chảy qua địa bàn, đặc điểm địa hình lại có độ dốc cao, lưu lượng dòng chảy lớn nên Điện Biên có nhiều thế mạnh phát triển thủy điện. Đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ. Như vậy, không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng tại chỗ, tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn là nguồn thu lớn đóng góp vào ngân sách hàng năm. Nhiều năm qua những khu vực được nghiên cứu khảo sát và đánh giá có cơ hội phát triển thủy điện đã được mời gọi thu hút đầu tư. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 39 dự án thủy điện. Trong đó 7 nhà máy thủy điện đang vận hành với tổng công suất lắp máy 80,3MW gồm: thủy điện Nà Lơi, Thác Trắng, Thác Bay, Pa Khoang, Na Son, Nậm He và Nậm Mức. Ngoài nguồn điện từ các nhà máy thủy điện cung ứng hiện tại trong số 9 dự án đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư có 5 dự án đang trong giai đoạn xây dựng với tổng công suất 88,8MW. Dự kiến hoàn thành phát điện trong thời gian từ năm 2016 đến 2018, sẽ góp phần tạo nguồn cung ứng dồi dào. Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ như Nậm He, Nậm Mức và Nậm Núa đi vào hoạt động sẽ góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương, thúc đẩy sản xuất tăng nhanh về sản lượng và cả giá trị. Thực hiện các định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp Điện Biên giai đoạn tới, trên cơ sở phát huy nội lực, đồng thời chú trọng nguồn ngoại lực vào khai thác các tiềm năng lợi thế, thủy điện tiếp tục được xác định là một trong những khâu đột phá của nền kinh tế địa phương. Tỉnh đã áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh. Trên cơ sở đó đã thu hút được nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư khai thác tiềm năng lợi thế thủy điện. Điểm nhấn quan trọng của bức tranh kinh tế thủy điện Điện Biên gần đây chính là việc đưa vào vận hành, khai thác nhà máy thủy điện Nậm Mức của Công ty Cổ phần thủy điện Nậm Mức ở xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo. Với tổng công suất 44MW, sản lượng điện hàng năm là 176,33 triệu KWh, đây là nhà máy có tổng công suất lớn nhất trong số các nhà máy thủy điện đang vận hành ở Điện Biên. Sau 8 năm xây dựng (từ năm 2007), đến tháng 6/2015, thủy điện Nậm Mức chính thức phát điện tổ máy số 1, hòa lưới điện quốc gia và tiếp tục phát tổ máy số 2 vào tháng 8/2015. Theo danh mục các dự án thủy điện đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 của ngành Công thương ngoài 4 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục tiến tới khởi công xây dựng thì có 5 thủy điện đang trong giai đoạn thi công. Quá trình triển khai các dự án thủy điện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư được sự quan tâm sát sao hỗ trợ lớn và kịp thời của chính quyền địa phương. Như thủy điện Nậm Núa, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Tài nguyên và năng lượng Điện Biên làm chủ đầu tư quá trình triển khai thời gian đầu gặp không ít khó khăn. Vì vốn vay từ ngân hàng các tổ chức tín dụng chiếm tới 70% tổng mức đầu tư của dự án, còn lại là vốn tự có của Công ty. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong nước, nợ xấu ngân hàng gia tăng dẫn đến Công ty chưa ký được hợp đồng tín dụng nên dự án bị chậm tiến độ. Song với tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh và các ngành liên quan đã kịp thời giúp đơn vị phần nào tháo gỡ khó khăn về vấn đề kinh phí và đến đầu năm 2015 thủy điện Nậm Núa bậc 1 đã chính thức khởi công, dự kiến sẽ phát điện vào quý I/2017. Ngoài thực hiện mục tiêu phát điện với công suất 10,8MW hòa vào lưới điện 110kV quốc gia, điện lượng trung bình hàng năm đạt 42,11 triệu kWh, khi dự án hoàn thành sẽ tạo các chuỗi du lịch sinh thái và dịch vụ kèm theo. Sau khi tích nước 7km chiều dài lòng hồ thủy điện sẽ mở ra triển vọng hình thành các điểm du lịch, như: bơi thuyền ngắm cảnh rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang, đua thuyền vào những ngày lễ hội của đồng bào dân tộc Lào, Cống, Khơ Mú kết hợp với tham quan nhà máy thủy điện Nậm Núa, khu dịch vụ và hang động Pa Thơm… Để thực hiện mục tiêu phấn đấu nâng công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh lên khoảng 244MW vào năm 2020, đòi hỏi ngay từ bây giờ càng phải đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án nhà máy thủy điện đã khởi công xây dựng. Đồng thời, tập trung hoàn thành các thủ tục, dự án đầu tư để khởi công xây dựng các nhà máy đã được tỉnh cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác các dự án đã khởi công, các dự án đã được cấp phép đầu tư, như: thủy điện Nậm Pay, Nậm Núa, Sông Mã 3, Trung Thu, Huổi Vang, Lông Tạo và Nậm Mu 2… Với danh mục 17 dự án thủy điện đầu tư sau giai đoạn 2020 đã ban hành và đang được tỉnh mời gọi các nhà đầu tư tiếp tục khẳng định kinh tế thủy điện là một trong những định hướng chiến lược phát triển của nền kinh tế. Tin tưởng rằng với những định hướng cụ thể được tỉnh hoạch định rõ ràng và thiết lập hành lang cơ chế, chính sách nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là trên tinh thần “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn”, công nghiệp thủy điện của Điện Biên sẽ thực sự "cất cánh", xứng đáng là tiềm lực kinh tế lớn và mạnh của địa phương.