DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 25/12/2015 04:23
Lãnh đạo Bộ TT&TT, lãnh đạo tỉnh Điện Biên và các em học sinh tham quan Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam tại tỉnh Điện Biên sau Lễ khai mạc.
Điện Biên là địa điểm thứ 31 tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức. Triển lãm thêm một lần nữa khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Những ngày diễn ra triển lãm, từ ngày 16-20/10/2015 dòng người cứ thế đổ về Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - nơi diễn ra triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Ngay trong ngày khai mạc (16/10), đông đảo quân và dân trên địa bàn tỉnh đã đến Bảo tàng tham quan và tìm hiểu. Có niềm vui, sự phấn khởi của các bác trung tuổi và những anh bộ đội hay ánh mắt ngỡ ngàng, tò mò, muốn tìm hiểu về các bản đồ của các em học sinh, sinh viên. Người thì chăm chú, lắng nghe thuyết minh viên trình bày về chủ quyền biển đảo, người lại cặm cụi ghi chép từng chứng cứ, tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi dòng lưu niệm là cảm xúc của những người lần đầu tiên được đến tham quan, tìm hiểu về triển lãm. Vừa nắn nót ghi từng dòng lưu bút, bác Nguyễn Văn Hải, phường Thanh Bình, T.P Điện Biên Phủ, cho biết: Thời gian gần đây, qua xem tivi, báo, đài, tôi biết vấn đề Biển Đông thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Do vậy, khi biết tại Bảo tàng diễn ra triễn lãm, trưng bày tư liệu, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa tôi mong đợi từng ngày được đến xem. Tận mắt xem mới thấy những tư liệu quý giá biết bao, bởi đây là một phần bằng chứng lịch sử và pháp lý, góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý và bảo vệ, khẳng định chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trong hơn 400 năm qua theo luật pháp quốc tế… Hòa chung những cảm xúc, niềm vui ấy khiến chúng tôi nhớ lại thời điểm tháng 6/2014, triển lãm “Biển đảo trong lòng Tổ quốc” cũng được tổ chức tại nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thông qua các tư liệu lịch sử, triển lãm mong muốn đem lại cái nhìn tổng thể về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, đồng thời nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước của du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thanh thiếu niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo. Chung niềm mong mỏi ấy, triển lãm lần này đã thực sự trở thành chiếc cầu nối, mang tới thông điệp cho người dân về khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, giúp bạn bè quốc tế, trong đó có người dân Trung Quốc hiểu được sự thật lịch sử, hiểu được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Xác định tầm quan trọng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo người dân. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử và pháp lý, chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam tại Bảo tàng. Tuy Điện Biên không có biển nhưng lại là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc. Chính vì vậy việc tổ chức triển lãm ở Điện Biên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đất liền đến nhân dân, khích lệ tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới. Điều ấn tượng đối với người đến xem là nội dung trưng bày rất phong phú với 120 bản đồ, tư liệu, tranh cổ động, atlas, văn bản Hán Nôm cổ, một số ấn phẩm, các hiện vật (tàu, cáng cứu thương, phao cứu sinh), châu bản, hồ sơ đèn biển, thư tịch cổ, mô hình cột mốc… đã được tập hợp, công bố. Giúp người xem có cái nhìn tổng thể về 2 quần đảo cũng như những minh chứng lịch sử về một quá trình liên tục, lâu dài, các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến xã hội chủ nghĩa ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam… Trong những tư liệu quý giá đó, đáng chú ý là bộ gồm 4 tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do chính Trung Quốc xuất bản và phát hành qua các thời kỳ lịch sử, cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt là Bộ atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869), nhà địa lý học người Bỉ, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827. Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo số liệu thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông, riêng từ ngày 16/10 – 20/10/2015, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tiếp đón hơn 6.700 lượt người đến thăm quan Triển lãm. Trong đó, trên 5.700 lượt người thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các trường học trên địa bàn T.P Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên; 974 lượt khách du dịch trong và ngoài nước. Qua đợt triển lãm tinh thần biển đảo đã đi vào lòng người dân Điện Biên sâu sắc. Trên mảnh đất anh hùng, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ mãi lưu giữ, trân trọng và tiếp tục khai thác có hiệu quả các tư liệu và bản đồ đã trưng bày. Thông qua triển lãm này, bạn bè quốc tế, trong đó có cả người dân Trung Quốc, hiểu đúng sự thật về tình hình Biển Đông hiện nay, cũng như mong muốn, nguyện vọng chính đáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.