DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 05/03/2013 03:16
Phóng viên Đài PT – TH tỉnh tác nghiệp. Ảnh: Tiến Dũng
DIC - Năm sắp hết và tết gần đến, những lúc tạm gọi là thư thả, tôi thường có thói quen đọc lại những tác phẩm của mình trong một năm qua, hoặc giả cũng đọc lươt cái tít và vài dòng sapô, nhất là với những bài mà mình đầu tư nhiều công sưc và có chút ít thành công Ở một khía cạnh nào đấy. Và lần này, bên ly cà phê thánh thót từng giọt thời gian, tôi lại có dịp chiêm nghiệm, nghĩ suy với những trở trăn không chỉ về riêng bài củe cá nhân mình...
Hằng ngày mở các tờ báo, ta thấy bên cạnh một số tin vắn, tin sâu, chiếm phần lớn diện tích trang in là các bài viết không ghi thể loại gì. Tuy thế, xét về mặt nội dung, hầu hết đó là các tác phẩm thuộc thể loại phản ánh đơn thuần. Đã đành một tác phẩm báo chí hay hay không hay và hay nhiều hay hay ít, không hoàn toàn phụ thuộc vào “danh xưng” thể loại. Ngay dù ta có đề là “Phóng sự”, “Phóng sự điều tra” hay gì gì chăng nữa, thì chất lượng tác phẩm là trên hết và đó mới là điều bạn đọc quan tâm. Những năm qua, có một thực tế là trong làng báo cả nước và đặc biệt trên không ít tờ báo địa phương, ngày càng xuất hiện nhiều những bài viết thiên về “kỹ thuật rút tỉa báo cáo”, người ta gọi là “tư duy lại báo cáo”. Công chúng báo chí bây giờ đa số có kiến thức, nhất là các nhà chuyên môn trước những bài báo nói về ngành dọc của họ, đặc biệt khi người đọc lại là những nhà báo đồng nghiệp vốn am tường nghề viết, sẽ dễ dàng nhận chân trình độ tay nghề của tác giả. Với những nhà báo không hiểu biết mấy về lĩnh vực mà mình đang viết, ắt sẽ xảy ra chuyện lệ thuộc hoàn toàn vào các báo cáo của cơ sở, người đọc chỉ thấy ở đó rặt các số liệu thống kê khô khan và vô cảm. Còn gì vụng về, nhàm chán và phản cảm hơn, khi chính ông N. là người ký vào các báo cáo mà nhà báo đang cố nhào nặn, giờ ông N. lại xuất hiện trong bài viết với tư cách xác nhận “độ tin cậy” của thông tin do chính ông cung cấp?! Trong trường hợp ấy, vô hình trung tác giả bài viết đã “bắt” ông N. cùng lúc “vừa đá bóng vừa thổi còi”; vừa thuyết giảng rất hùng hồn trước cơ quan của ông với vai trò thủ trưởng, lại vừa phát biểu “hăng tiết” trước bạn đọc với tư cách nhân vật báo chí(!). Đọc những bài báo được “chế tác” kiểu “mười trang báo cáo lấy hai trang bài viết” như thế, rõ ràng tác giả đề cập rất nhiều thứ nhưng người đọc vẫn chẳng nhớ nổi thứ gì. Cái gì cũng bằng bằng, nhạt nhạt, chung chung; có cảm giác đó là “phiên bản” của bài báo nào đấy trong số báo này hay số báo khác, trên tờ báo nọ hay tờ báo kia... Hãy khắc phục tình trạng “biên tập” các báo cáo thành những bài báo vô thưởng vô phạt mà ngay cơ sở cũng không mấy người đọc, bằng cách hãy đi cơ sở theo đúng nghĩa của cụm từ này. Tại đấy, sau khi làm việc với cơ quan hoặc chính quyền địa phương để nắm thông tin tổng hợp, bài báo định triển khai đề tài theo hướng nào thì thu thập thông tin theo hướng đó. Nhưng dù theo hướng nào thì điều đầu tiên vẫn là hãy xuống với dân, hãy gặp gỡ những người lao động để lắng nghe tâm tư của họ, gợi cho họ nói, có thể tranh luận với họ để làm sáng tỏ những thông tin nào đấy mà mình còn chưa biết hoặc mới được cung cấp một cách chủ quan, phiến diện. Những chuyến đi như thế gọi chung là thâm nhập thực tế, “nạp” chất liệu cuộc sống vào “kho” tư liệu của mình. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm là trong số những chuyến đi liên tục và liên tục ấy, không ít những chuyến nhà báo gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí khó khăn về nhiều mặt. Một trong những khó khăn là thái độ thờ ơ, bất hợp tác của cơ quan chức năng liên quan, của chính quyền hoặc đoàn thể ở địa phương. Càng với người viết phóng sự hay điều tra, càng khó có cơ hội “tiếp cận” thủ trưởng đơn vị hoặc lãnh đạo địa phương. Người ta lảng tránh, khước từ với đủ thứ lý do, nhưng chung quy “lý do” chính là họ “ngại” báo chí. Thiết nghĩ, với những nhà báo say nghề, tài năng, tự trọng và có bản lĩnh, chỉ riêng việc cơ quan chức năng “ngại” báo chí đã là một “tín hiệu” tốt cho bài phóng sự manh nha hình thành. Trong những trường hợp tương tự, công tác thu thập thông tin từ thực tế cuộc sống càng trở nên quan trọng. Những gì bạn có được (chụp ảnh, ghi âm) bằng sự từng trải của mình từ nguồn tin “trôi nổi” trong dư luận, được xem là “đòn chiến tranh tâm lý” buộc đối tác phải chấp nhận “quay trở lại bàn đàm phán”. Giữa muôn nghìn nghề trong cuộc sống, làm báo là nghề khó nhọc và để thành danh lại càng khó. Cố nhiên, những gì chúng ta học được ở các trường nghiệp vụ báo chí là rất tốt, nhưng nếu thiếu kiến thức “trường đời” thì chưa thể bảo đảm có những bài báo hay chứ nói gì đến chuyện nổi danh. Một nghề không chỉ cần đến năng khiếu bẩm sinh mà còn rất cần có tư duy sáng tạo, ai đã không có năng khiếu lại không có khả năng sáng tạo, thì rất khó tự làm mới mình, sẽ dễ dàng bị che lấp phía sau vầng hào quang phát ra từ đồng nghiệp. Hãy đọc các báo cáo, ghi lấy những ý chính cần thiết, rồi cất kỹ chúng vào tập tài liệu riêng có đánh dấu hẳn hoi, phòng khi xảy ra chuyện kiện tụng lôi thôi. Tiếp sau đó là thường xuyên đi cơ sở, hãy gặp gỡ thật nhiều loại đối tượng, lắng nghe thật nhiều cho dù những ý kiến có trái ngược nhau, hãy quan sát thật kỹ, ghi chép thật chính xác và thật tỉ mỉ. Xin nhắc lại là hãy ghi chép thật chính xác và thật tỉ mỉ, đừng bỏ qua bất kỳ chi tiết nào vì cho là nó nhỏ, nó không phục vụ cho đề tài. Kẻo rồi, lúc ngồi bên bàn phím máy tính ở nhà, lại thấy tiếc vì đã trót không cập nhật. Có nhà văn từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn”. Một chi tiết có thể nhỏ khi nó đứng độc lập, nhưng nó không nhỏ và thậm chí rất ấn tượng, nếu được đặt trong một chỉnh thể tác phẩm báo chí toàn bích. Cuối năm, xin chia sẻ vài suy nghĩ trong lúc “trà dư tửu hậu”. Trước khi muốn có một bài báo hay trong số những bài báo đọc được, xin các nhà báo hãy viết báo bằng tất cả khát vọng cống hiến cho đời và khẳng định bản thân mình. Hãy dành thời gian để đọc và đọc một cách chăm chú, cầu thị tác phẩm của người khác, nhất là tác phẩm của những cây bút đàn anh gạo cội. Rồi, hãy đổ xăng vào bình, thu xếp hành trang thực hiện liên tiếp và liên tiếp những chuyến thâm nhập thực tế. Bù lại, từ những chuyến đi cơ sở, chất liệu cuộc sống sẽ ùa về và tự nó làm nên giá trị tác phẩm, làm nên “thương hiệu” cho bạn...