Đưa triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa về huyện
Lê Lan
2015-11-01T22:45:57-05:00
2015-11-01T22:45:57-05:00
https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/tin-tuc-tong-hop/Dua-trien-lam-Hoang-Sa-Truong-Sa-ve-huyen-2696.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
https://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 01/11/2015 22:45
ĐBP - Như đã nhiều lần thông tin, từ ngày 16-20/10/2015, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin – Truyền thông đã phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức trưng bày triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Sau 5 ngày tổ chức, Bộ Thông tin – Truyền thông đã trao lại toàn bộ tư liệu, hiện vật cho UBND tỉnh Điện Biên để lưu giữ, trưng bày, phục vụ nhân dân Điện Biên và du khách thập phương đến tham quan.
Nhận xét về giá trị, ý nghĩa các hiện vật trưng bày tại Triển lãm, ông Nguyễn Vân Chương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: Với việc trưng bày hàng trăm tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều thư tịch, bản đồ cổ của nước ngoài, bao gồm cả các tư liệu, bản đồ cổ của Trung Quốc có giá trị lịch sử, pháp lý cao; nội dung trong các tư liệu, hiện vật đều khẳng định từ rất lâu Việt Nam đã thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu dành tâm huyết sưu tầm. Triển lãm thêm một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam, bác bỏ những tuyên bo phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông Nguyễn Vân Chương cũng cho rằng, với nhân dân Điện Biên thì việc tham quan triển lãm, tìm hiểu các tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam là việc làm vô cùng cần thiết, ý nghĩa. Bởi như mọi người đều biết, Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, cách xa biển, vì vậy không phải công dân nào của tỉnh Điện Biên cũng có điều kiện đi về biển để tìm hiểu giá trị, ý nghĩa của biển đảo trong sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước, quê hương. Vì thế, trưng bày giới thiệu các tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa ,Trường Sa tại Điện Biên là việc làm vô cùng ý nghĩa, giúp người Điện Biên hiểu nhiều hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của biển đảo; công sức giữ gìn biển đảo của thế hệ cha ông. Để từ đó, mỗi người Điện Biên hiểu hơn, yêu biển nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn với việc giữ gìn, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiểu đúng và làm đúng, người Điện Biên sẽ có cách thể hiện tình yêu biển đảo một cách đúng đắn, sâu sắc, hiệu quả. Ý nghĩa của các nhóm tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa là thế, song câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để mỗi người Điện Biên đều được tham quan các tư liệu, hiện vật, chứng cứ ấy? Làm thế nào để các tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa, Trường Sa ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trở thành những bằng chứng sống trong trái tim, suy nghĩ của người Điện Biên, thì đây chính là vấn đề không đơn giản. Bởi như chúng ta vẫn biết, điều kiện địa hình Điện Biên rất khó khăn, đời sống người dân còn nghèo nên không phải ai muốn cũng có thể đến Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để xem, để nghĩ. Nhất là với người dân ở các huyện biên giới, vùng cao như: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa... mong ước được về xem trưng bày hiện vật ở Bảo tàng càng vời xa! Đường xa là những cách trở làm nản bước nhân dân. Sự thật là thế, song trong khuôn khổ bài viết này tôi vẫn mong muốn làm được nhiều hơn thế. Tôi mong muốn đưa ý tưởng “Đưa triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa về huyện” của bà Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đến với mọi người và đặc biệt đến với ngành chức năng là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng ý tưởng “Đưa triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa về huyện” là sáng tạo và vô cùng ý nghĩa. Làm được như ý tưởng đó sẽ không chỉ nhân lên được tình yêu biển đảo trong trái tim người Điện Biên, mà làm được như thế còn góp phần quan trọng khẳng định sự nhập cuộc tích cực của ngành chức năng và chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Nếu không sáng tạo được hơn thì nên chăng ta học cách tổ chức triển lãm như Bộ Thông tin – Truyền thông đã triển khai tại tỉnh, chỉ có điều khác là, ta đưa triển lãm về từng huyện trong khoảng thời gian dài hơn, thông tin đến các xã cụ thể hơn để ngay từ cấp xã sẽ tổ chức đưa người dân về huyện tham quan. Vẫn biết, sẽ có nhiều khó khăn khi làm theo ý tưởng mới, nhưng so với cái được vô giá, đó là tình yêu, lòng nhận thức của nhân dân nói chung và nhân dân vùng cao nói riêng, sẽ tăng lên về chủ quyền biển đảo, về sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia thì thiết nghĩ, khó khăn sẽ được tháo gỡ bởi khi được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người, nhiều ngành và nhiều địa phương.
Tác giả: Lê Lan
Nguồn tin: xaydungchinhsach.chinhphu.vn