DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 18/10/2015 20:30
Nhân dân trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đến tham quan triển lãm
“Tôi đang nghe tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau” – Những câu hát trầm hùng, tràn đầy hào khí và tình yêu biển đảo đã dẫn chúng tôi đến với cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu đặc biệt về biển đảo, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Điện Biên mang tên “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Với tên gọi ấy, cuộc triển lãm như một lời khẳng định thêm về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và nó một lần nữa làm sống dậy tình yêu biển đảo đã, đang âm thầm chảy trong dòng máu mỗi người dân Điện Biên, dẫu cho nhiều người trong số họ chưa một lần đặt chân tới biển.
Điểm nhấn đầu tiên khi đến với cuộc triển lãm đặc biệt này, đó là bộ sưu tập gồm 65 bản đồ lớn, nhỏ minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay; 4 tập bản đồ (atlas) và 30 bản đồ do các Nhà nước Trung Quốc xuất bản, phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý 2 quần đảo nói trên. Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản, gồm: Trung Quốc địa đồ, Trung Quốc toàn đồ, Trung Hoa bưu chính dư đồ xuất bản năm 1919 và năm 1933 đã làm rõ hơn vấn đề này. Để minh chứng, làm rõ quá trình lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, trong khuôn khổ không gian triển lãm, ban tổ chức còn cung cấp nhiều tài liệu có giá trị bằng các phiên bản: Văn bản Hán – Nôm, Việt ngữ, Pháp ngữ, văn bản hành chính của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ và một số nước phương Tây biên soạn, xuất bản. Ngoài ra, người xem cũng được tận mắt chứng kiến những hiện vật, hình ảnh về công cuộc thực thi chủ quyền, đấu tranh “Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”; hình ảnh sinh động, chân thực về cuộc sống trên đảo, tình yêu của nhân dân cả nước hướng về biển đảo thông qua những hành động thiết thực... Cuộc triển lãm là một cách nhìn tổng thể, khái quát mang nhiều giá trị nhất về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, bởi nó quy tụ đầy đủ thông tin, tư liệu, hiện vật quý thông qua nhiều nguồn sử liệu đã từng được công bố của toàn bộ các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Có thể nói, những cuộc triển lãm hoặc hội thảo mang tính chất lịch sử, chính trị như thế này thường không thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, với cuộc triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa này lại vượt ngoài sự mong đợi của ban tổ chức phía địa phương. Ngay trong ngày đầu triển lãm, ngoài đại biểu, còn thu hút rất đông người dân, du khách, đặc biệt là học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Thông tin từ đơn vị trưng bày (Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ) cũng cho biết, kế hoạch tham quan được các đơn vị, tổ chức, trường học, lực lượng vũ trang trên địa bàn đăng ký kín lịch từ nay đến hết ngày 20/10. Điều này cho thấy, rất nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm theo dõi, thậm chí dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Và những dịp hiếm hoi như thế này chính là cơ hội quý để họ hướng về biển đảo, hiểu và có trách nhiệm hơn với biển đảo – một phần máu thịt của Tổ quốc. Cùng với Điện Biên, cuộc triển lãm mang tầm cỡ quốc tế đã đi qua 31 địa điểm trong cả nước (trong đó có 29 tỉnh, thành). Và tại Điện Biên, nó được gọi là đặc biệt không chỉ bởi những giá trị, ý nghĩa mang lại, mà là vì triển lãm về biển, nhưng được tổ chức tại một địa phương không có biển. Cũng chính bởi điều đó mà giá trị của cuộc triển lãm lại càng ý nghĩa hơn. Nhưng quan trọng hơn hết, đây là mảnh đất của lịch sử, là hiện thân của tinh thần đoàn kết, yêu nước, tự lực, tự cường, và đó cũng là giá trị mà cuộc triển lãm này muốn hướng tới, để thông qua đó, nhân lên tình yêu biển đảo, cũng chính là yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở đây, theo kế hoạch, những hình ảnh, tư liệu quý báu này sẽ tiếp tục được mang đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, 4 quốc gia lớn được dự kiến hướng đến trong thời gian gần nhất, đó là: Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc, Liên Bang Nga và Pháp, với một mục tiêu lâu dài là làm sống dậy tình yêu biển đảo của không chỉ người dân tại Điện Biên, hay một tỉnh, thành nào, mà tất cả người con của đất nước Việt Nam đang sinh sống khắp mọi nơi trên thế giới. Đây có thể được xem như lời khẳng định, minh chứng sắt đá nhất về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam với bạn bè thế giới.