DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 08/07/2013 21:26
PMNM được xem là giải pháp giúp các cơ quan Nhà nước giảm áp lực về chi phí mua bản quyền, kinh phí phát triển ứng dụng CNTT, tăng khả năng làm chủ công nghệ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nếu chuyển đổi 10.000 máy tính cá nhân (PC) sang dùng phần mềm nguồn mở (PMNM) thay vì bỏ tiền mua bản quyền phần mềm cho số máy tính này, trong 1 năm, Nhà nước có thể tiết kiệm được 53 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) nhẩm tính chi phí trung bình để mua một bản quyền cho một máy tính văn phòng sử dụng hệ điều hành Windows 7 và ứng dụng Office 2010 là 450 USD (gần 10 triệu đồng). Trong khi đó, chỉ cần giao cho VFOSSA 200 USD/máy (khoảng 4 triệu đồng) thì có thể chuyển máy tính này thành máy trạm sử dụng hệ điều hành nguồn mở Linux cùng ứng dụng văn phòng nguồn mở Libre Office (LibO). Sau đó thường kỳ hàng tháng hoặc hàng năm, người sử dụng chỉ cần chi một khoản tiền cho dịch vụ triển khai ứng dụng PMNM. Nếu so với chi phí mua bản quyền thì khoản tiền chi cho dịch vụ triển khai ứng dụng PMNM “khiêm tốn” hơn rất nhiều. “Thực tế hàng năm, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải chi một khoản tiền rất lớn cho việc mua bản quyền, nâng cấp phần mềm thương mại đóng gói. Chính phủ Việt Nam đã từng phải chi đến khoảng 20 triệu USD (tương đương 400 tỷ đồng) cho 1 lần mua bản quyền cho riêng hãng Microsoft”, ông Quang “bật mí”. “Giả sử chuyển đổi 10.000 PC dùng Windows 7 và Office 2010 sang dùng Linux và LibO, trong thời hạn 1 năm, Nhà nước chỉ cần bỏ ra 2 triệu USD (tương đương 42 tỷ đồng), tiết kiệm được 2,5 triệu USD (khoảng 53 tỷ đồng)”, ông Quang nhấn mạnh. Câu hỏi đặt ra, VFOSSA làm gì nếu được giao 200 USD/máy tính chuyển đổi sang PMNM? Thông tin trong câu trả lời của ông Quang khá thú vị: 50% trong số này (2 triệu đồng/máy) sẽ được chia cho người sử dụng để họ bù đắp làm thêm giờ do mất năng suất trong thời gian chuyển đổi. Với tổng tiền 20 tỷ đồng cho 10.000 PC, sau 1 năm triển khai dự án chuyển đổi máy tính sang PMNM, tại Việt Nam sẽ có thêm 10.000 người sử dụng PMNM. Số tiền 20 tỷ đồng còn lại sẽ được chi cho 10 doanh nghiệp thuộc VFOSSA, mỗi doanh nghiệp sẽ có doanh thu 2 tỷ đồng/năm nếu đảm trách nhiệm vụ huấn luyện 1.000 người sử dụng biết dùng PMNM. Vô hình chung, hoạt động này còn kích thích sự phát triển của doanh nghiệp PMNM sau một thời gian dài xảy ra hiện trạng mải miết cống hiến rồi chết yểu vì không có nguồn thu (trước đây đã có nhiều công ty, cộng đồng và dự án do Nhà nước bảo trợ nhằm phát triển những bản phân phối PMNM riêng như Hacao, VietkeyLinux, CMC Linux, Rồng Việt, Asianux,… nhưng sau này các dự án đều đã chết yểu hoặc sống thoi thóp, một phần do không có nguồn thu để tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển). Những con số trên được ông Nguyễn Hồng Quang chia sẻ với lãnh đạo Bộ TT&TT trong cuộc họp bàn mới đây về dự án “Hỗ trợ phát triển và triển khai ứng dụng PMNM” do Vụ CNTT, Bộ TT&TT cùng với VFOSSA phối hợp xây dựng. Dự án gồm 5 nội dung cơ bản gồm: Hỗ trợ phát triển hệ điều hành nguồn mở dành cho máy trạm; Hỗ trợ phát triển phần mềm nguồn mở dành cho máy chủ; Đào tạo người sử dụng cuối về sản phẩm; Đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; Tuyên truyền quảng bá dự án.