DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 20/06/2013 03:06
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn Việt Nam ICT Summit 2013 diễn ra sáng nay, 20/6/2013 tại Hà Nội. Ảnh: X.B
Dic - Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, để CNTT thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, cần triển khai 7 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đáng chú ý, ứng dụng CNTT sẽ phải là yêu cầu tiên quyết trong mọi công trình, dự án đầu tư.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2013 (Vietnam ICT Summit 2013) diễn ra sáng nay, 20/6/2013, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Trong đó xác định CNTT là một trong những động lực quan trọng nhất của phát triển, góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Hơn 10 năm qua, CNTT đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP của đất nước, có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội. Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ CNTT thế giới. Tuy nhiên, với góc nhìn tổng thể về năng lực cạnh tranh và phát triển của quốc gia, Thủ tướng lưu ý: Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng còn thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao, cải cách hành chính còn chậm, không ít chỉ số cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn thua kém một số nước trong khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cho rằng CNTT là một phương thức phát triển mới giúp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát nguy cơ tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để CNTT thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, Chính phủ yêu cầu các các Bộ, ngành, địa phương, và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng triển khai 7 nội dung, nhiệm vụ giải pháp. Một là nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm CNTT là 1 nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Phát triển và ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh và quản lý, hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển, tiến cùng thời đại. Hai là xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia, bảo đảm khả năng kết nối liên thông đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn bảo mật thông tin quốc gia. Ba là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới, ưu tiên đào tạo phát triển nguồn nhân lực CNTT của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, doanh nghiệp và của cả quốc gia. Bốn là xây dựng cơ chế chính sách tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm đảm bảo việc ứng dụng CNTT trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư trong tiến trình phát triển. Năm là tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường CNTT, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực cạnh tranh, vươn ra thị trường ngoài nước. Sáu là tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển CNTT. Bảy là phát triển và ứng dụng CNTT được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Tiếp thu 7 nội dung giải pháp, nhiệm vụ Thủ tướng nêu ra tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết: Bộ TT&TT đang nỗ lực hoàn thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về CNTT nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý để phát triển nhanh CNTT-TT, góp phần quan trọng đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào 2020. Thực hiện Nghị quyết của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý hạ tầng đồng bộ thông tin, nội dung thông tin phục vụ cho lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước, phát triển năng lực CNTT quốc gia để đáp ứng yêu cầu cung cấp trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam thường niên là một cơ hội để cộng đồng cùng thảo luận, chia sẻ cách thức nhằm phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Diễn đàn năm nay bàn về việc phát huy vai trò của CNTT trong nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào các vấn đề: xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải cách giáo dục đào tạo. Đây là những vấn đề đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm giải quyết.