Công tác quản lý Nhà nước về bưu Chính cơ sở ở Điện Biên
Xuân Thắng
2013-12-29T21:08:16-05:00
2013-12-29T21:08:16-05:00
https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/buu-chinh-vien-thong/Cong-tac-quan-ly-Nha-nuoc-ve-buu-Chinh-co-so-o-Dien-Bien-1773.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
https://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 29/12/2013 21:08
Bưu điện tỉnh Điện Biên, thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, hiện đang quản lý, khai thác 92 điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX); trong đó có 72 điểm được xây dựng kiên cố từ đầu những năm 2000 và có nhiệm vụ mở cửa ít nhất 4 giờ/ngày kể cả thứ 7, chủ nhật để người dân trong khu vực đến đọc sách, báo miễn phí và sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet. Song qua tìm hiểu cho thấy, hiện nay các ĐBĐVHX, hầu hết nhân viên đều kiêm luôn nhiệm vụ phát xã. Hệ thống bưu điện huyện đang phải duy trì 54 tuyến đường thư cấp III vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, công văn, thư báo từ tuyến huyện giao cho nhân viên phát xã, với tổng chiều dài hơn 1.200 km, trong đó có hơn 700 km đường đất.
Là mạng bưu chính công cộng, với chức năng thực hiện nhiệm vụ chính trị, cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và là mạng lưới kết nối, chuyển tải thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu của nhân dân từ tỉnh đến cơ sở; đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có nhiều đồng bào dân tộc và ngược lại. Tuy nhiên, để duy trì, khai thác mạng lưới bưu chính cấp cơ sở theo đúng quy định, Bưu điện tỉnh Điện Biên gặp không ít khó khăn do các điểm BĐVHX đã xuống cấp, nhu cầu đọc sách báo cũng như sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng của người dân ít; kinh phí chi trả cho nhân viên điểm BĐVHX, phát xã và đường thư cấp III quá thấp dẫn đến hoạt động điểm bưu điện văn hóa xã không hiệu quả. Nhân viên hợp đồng thường không gắn bó với ngành; nhiều điểm BĐVHX không mở cửa hoặc mở đúng quy định, bên cạnh đó nhiều tuyến đường thư do đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão nên thực hiện không đúng hành trình, một số xã việc phát thư, báo chưa kịp thời....Để nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là dịch vụ bưu chính công ích vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn Bưu điện tỉnh đang từng bước tháo gỡ, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các quy định, quy trình thể lệ về hoạt động bưu chính; kết hợp rà soát, giám sát sắp xếp lại các tuyến, tần suất thu gom, phát. Đồng thời, tổ chức hệ thống bưu cục và tuyến đường thư một cách khoa học; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc xây dựng quy trình, quản lý, khai thác dịch vụ hiệu quả, hiện đại; đặc biệt chú ý đến chất lượng dịch vụ mạng đường thư cấp III; tăng cường tự kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong quá trình thu gom, khai thác, vận chuyển, phát…Cùng với đó, UBND cấp huyện cũng cần chỉ đạo các đơn vị chức năng và UBND các xã quản lý, giám sát, đánh giá hoạt động các điểm BĐVHX, các tuyến đường thư cấp III và việc phát xã trên địa bàn. Đối với các điểm BĐVHX cần có đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị; hợp đồng giữa Bưu điện huyện với nhân viên điểm BĐVHX, quản lý giờ mở cửa, việc niêm yết công khai các dịch vụ, chất lượng các dịch vụ bưu chính tại các điểm BĐVHX trong quản lý hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng giữa Bưu điện huyện với nhân viên đường thư; giám sát tần suất hoạt động của đường thư đảm bảo theo đúng quy định 02 ngày/chuyến. Quản lý hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng giữa Bưu điện huyện với nhân viên phát xã, đồng thời giám sát việc phát xã không để tồn đọng bưu phẩm, bưu kiện, công văn, thư báo.Mặt khác, để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực bưu chính tại địa phương, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố cần triển khai tốt một số giải pháp như tiếp tục tham mưu UBND cấp huyện quan tâm bổ sung biên chế quản lý lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động bưu chính. Trong đó, thường xuyên trao đổi thông tin với các phòng chức năng Sở Thông tin và Truyền thông; đề xuất hỗ trợ nghiệp vụ và tham gia đầy đủ các đợt tập huấn khi sở tổ chức. Trong công tác quản lý cần chủ động đề xuất với cơ quan chức năng các giải pháp về hoạt động bưu chính; chủ trì, tham mưu thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật, xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý những hành vi vi phạm pháp luật vể lĩnh vực bưu chính trên địa bàn. Đặc biệt là việc phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trong việc quản lý hoạt động bưu chính tại cơ sở.Xác định rõ và triển khai tốt nhiệm vụ, đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp về công tác quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính, bưu chính công ích tại cơ sở sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm BĐVHX, nhân viên phát xã và các tuyến đường thư cấp III trên địa bàn tỉnh.