DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 30/09/2013 21:23
Sở TT&TT kiểm tra thực tế tại trạm BTS của Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (HTC)
DIC - Những năm đầu thành lập, Mường Nhé là huyện vô cùng khó khăn thiếu thốn, cơ sở vật chất của tất cả các cơ quan ban ngành đều tạm bợ, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện hoạt động của cán bộ công nhân viên rất hạn chế, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc. Thời điểm đó, điện thoại di động đã gần như phổ biến ở khắp mọi nơi nhưng cả huyện bấy giờ vẫn sử dụng thông tin liên lạc qua vệ tinh Visat với vẻn vẹn 4 thuê bao cố định; chất lượng cũng như thời gian của mỗi cuộc đàm thoại rất hạn chế, còn thông tin di động chưa ai nghĩ tới. Mọi thông tin liên lạc từ huyện đến xã chủ yếu bằng đường công văn với tốc độ “đi bộ”, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền gặp không ít trở ngại. Bấy giờ Bưu điện huyện là nơi tấp nập nhất, có rất nhiều người xếp hàng chờ đến lượt gọi điện, đặc biệt vào những ngày nghỉ, cán bộ công chức trong huyện đến liên lạc về nhà rất đông, vì vậy từ sáng sớm đến tận đêm khuya, Bưu điện huyện lúc nào cũng đông như hội. Mặc dù hoạt động tối đa công suất nhưng Bưu điện huyện cũng không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cán bộ và nhân dân trong khu vực. Cho tới năm 2004 lác đác một vài xã được lắp đặt thiết bị Vô tuyến điện - điểm phục vụ cho việc liên lạc nhưng số lượng kênh thoại rất hạn chế.
Cuối năm 2006, được sự quan tâm của Viễn thông Điện Biên, ngay sau khi trung tâm huyện Mường Nhé chuyển từ địa điểm tạm (xã Chà Cang) vào địa điểm chính thức (xã Mường Nhé), ngày 24/11/2006 cột phát sóng di động đầu tiên của huyện đã đi vào hoạt động, phủ sóng Vinaphone khu vực trung tâm huyện với 300 kênh thoại. Đây là niềm vui không thể quên được đối với mỗi cán bộ và nhân dân huyện Mường Nhé. Những cuộc đàm thoại trực tiếp nhanh chóng đã thay thế những con tem thư chậm chạp, khoảng cách về địa lý dường như đã được rút ngắn. Công tác chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng chính quyền được thuận tiện hơn rất nhiều.Có thể nói ngay sau khi bưu chính - viễn thông chia tách, viễn thông được hoạt động độc lập đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, Trung tâm Viễn thông Mường Nhé đã có tổng số 27 trạm BTS phủ sóng di động đến tất cả các xã; trong đó có 2 trạm phủ sóng 3G đảm bảo việc thông tin liên lạc suốt 24 giờ trong ngày. Với số lượng 13 điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước, 70 điểm cung cấp dịch vụ do Trung tâm Viễn thông Mường Nhé quản lý đã làm lượng thuê bao dịch vụ viễn thông không ngừng phát triển. Hiện đơn vị quản lý 500 thuê bao điện thoại cố định, gần 800 thuê bao di động trả sau, số lượng thuê bao hòa mạng trả trước liên tục phát triển. Đặc biệt đã có 8 thuê bao Internet cáp quang (FTTH) và 500 thuê bao Internet băng thông rộng (ADSL). Dựa trên nền tảng Internet, truyền hình theo yêu cầu (MyTV) đã ra đời giúp khách hàng có thêm một kênh thông tin để lựa chọn. Đến nay, loại hình dịch vụ này đã phát triển được 350 thuê bao. Chính nhờ sự phát triển đáng kể đó, năm 2012 Viễn thông Mường Nhé đạt tỷ lệ doanh thu 113% kế hoạch đứng đầu toàn tỉnh và được nhận cờ thi đua của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.Tuy nhiên, với địa bàn quá rộng, điều kiện giao thông còn rất khó khăn nhất là trong mùa mưa lũ. Để đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc cho huyện, đội ngũ cán bộ, công nhân của Trung tâm phải hoạt động cật lực. Trong 27 trạm BTS Vinaphone mới chỉ có 14 trạm có điện lưới, số còn lại phải sử dụng máy phát điện để duy trì hoạt động. Tính trung bình mỗi tháng đơn vị phải chi phí hơn 100 triệu đồng tiền nhiên liệu để đảm bảo hoạt động cho các trạm BTS. Đó là chưa kể chi phí cho công tác duy tu bảo dưỡng, thay thế thiết bị, thực hiện công tác vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ… Hầu hết các Trạm BTS này đều nằm ở vị trí rất cao, xa so với đường giao thông, do vậy việc vận chuyển nhiên liệu tới các trạm chủ yếu bằng mang vác thủ công, chi phí cũng không nhỏ. Ngoài việc kiểm soát, quản lý các trạm, đội ngũ công nhân của Trung tâm thường xuyên có mặt kịp thời để khắc phục sự cố kỹ thuật, làm tốt công tác tư vấn, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó việc quản lý 150 km đường dây cáp quang cũng gặp không ít khó khăn; hiện tượng phá hoại, trộm cắp vẫn thường xảy ra. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Viễn thông Mường Nhé 4 lần bị kẻ xấu cắt trộm cáp đồng, phá hoại đường dây cáp quang, làm giãn đoạn công tác thông tin liên lạc, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của huyện. Điển hình là đầu năm 2013, đường dây cáp quang khu vực xã Chung Chải đã bị chặt đứt làm tê liệt hoàn toàn công tác liên lạc của 4 xã Sín Thầu, Leng Su Sìn, Sen Thượng và Chung Chải. Một thực tế mà không chỉ Viễn thông Mường Nhé gặp phải, đó là khó khăn trong công tác quản lý thu cước: Năm 2008 khi Vinaphone phát triển các thuê bao Gphone, Viễn thông Mường Nhé đã thực hiện được trên 500 máy, dạng thuê bao này có thể nói là tương đối phù hợp với người dân vùng sâu, có nhiều ưu việt hơn so với điện thoại cố định thông thường. Nhưng do nhiều lý do, trong đó có công tác thu cước khó khăn vì vậy số lượng thuê bao Gphone đã bị tụt giảm nhiều, đến năm 2013 chỉ còn 300 thuê bao.Mặc dù Thông tư 04 về quy trình đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước và Thông tư 14 đã qui định, nhưng trên thực tế số lượng SIM kích hoạt trước vẫn được lưu hành khá lớn. Tình trạng mua bán SIM thẻ qua mạng không đăng ký lại thông tin chính chủ vẫn tồn tại, dẫn đến số lượng thuê bao ảo, thuê bao ngoài kiểm soát còn trôi nổi khá nhiều; số lượng người đến các điểm giao dịch để đăng ký chính chủ sử dụng thuê bao cũng bị ảnh hưởng. Tuy còn nhiều khó khăn song sự phát triển của Trung tâm Viễn thông Mường Nhé là đáng ghi nhận. Hiệu quả công tác thông tin, liên lạc của đơn vị tại Mường Nhé đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triền kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé đang thực hiện.