DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 14/09/2017 20:27
DIC - Đi lên từ 1 thị xã nhỏ chỉ với 1,7 vạn dân, xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay sau 25 năm xây dựng, TP. Điện Biên Phủ đã phát triển vượt bậc, toàn diện và đang trên đường trở thành đô thị loại II. Dù mang hình ảnh một thành phố trẻ, năng động, hiện đại nhưng Điện Biên Phủ vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng nơi vùng cao Tây Bắc, hội nhập mà không làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của mình.
Với 14 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc mang nét văn hóa đặc trưng riêng, chính quyền TP. Điện Biện Phủ nhiều năm qua luôn chủ trương gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống trong điều kiện đô thị hóa, hiện đại hóa. Hiện tại, trên địa bàn còn nhiều cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Mông, Khơ Mú) sống tập trung ở xã Thanh Minh, Tà lèng, một số bản xen kẽ ở các phường: Nam Thanh, Thanh Trường, Him Lam, Noong Bua. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống được tập trung chủ yếu vào 3 dân tộc này. Qua kiểm kê di sản, bản sắc văn hóa của các dân tộc như lễ hội, nghề thủ công cơ bản được gìn giữ; tiếng nói, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục, ẩm thực, các trò chơi dân gian cũng vẫn được duy trì. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng cuộc sống mới, không ít nét đẹp truyền thống đã bị thất truyền hoặc có nguy cơ mai một. /uploads/news/2017_09/dsc_4310.jpg Người dân bản Noong Chứn, phường Nam Thanh tham gia diễn xướng Xống chụ xon xao. Bà Mai Thị Hường, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố, cho biết: Trước thực trạng đó, thành phố đã thực hiện bảo tồn 4 lễ hội: Hạn Khuống, Sên Pang, Cầu mùa (dân tộc Thái), Lễ mừng Năm mới (dân tộc Khơ Mú); quan tâm bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống, như: dệt thổ cẩm, đan lát. Cùng với đó là phát huy, giữ gìn các trò chơi dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa thành phố giúp ít nhất 1 bản tổ chức dàn dựng mới hoặc nâng cao các điệu múa dân tộc truyền thống. Hiện tại, Trung tâm đang giúp bản Kê Nênh (dân tộc Mông), xã Tà Lèng gây dựng đội văn nghệ với nhiều tiết mục hát, múa truyền thống. Nhờ vậy thành phố có 20/27 bản có đội văn nghệ hoạt động tích cực, nhiều bản thường xuyên tham gia giao lưu văn nghệ, phục vụ đón tiếp khách du lịch. Trong 14 dân tộc, người Thái là đồng bào bản địa, gắn bó lâu đời nhất với mảnh đất này. Hiện người Thái chiếm 16,7% trong thành phần dân tộc thành phố. Mặc dù sống trong lòng đô thị luôn tấp nập, tiện nghi và đa dạng về văn hóa nhưng các bản người Thái sống tập trung vẫn giữ được bản sắc đặc trưng của mình. Các mái nhà sàn, những búi tóc tằng cẩu, chiếc áo cóm, khăn piêu… vẫn được thấy trong cuộc sống hiện đại. Hơn nữa, bản sắc dân tộc Thái còn có sức ảnh hưởng lớn, tạo nên hình ảnh “thương hiệu” cho thành phố. Đó là khi những sản phẩm thủ công của người Thái trở thành quà tặng lưu niệm cho bạn bè gần xa, món ăn truyền thống lên bàn tiệc, đón tiếp khách quý thập phương. Và khi đến với Điện Biên, thật tiếc nếu du khách không dừng chân trải nghiệm, giao lưu văn nghệ, ẩm thực với đồng bào dân tộc Thái. Tạo ấn tượng, cuốn hút khách du lịch từ bản sắc văn hóa truyền thống, thành phố hiện có 5 bản dân tộc Thái phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, thường xuyên đón tiếp khách đến tìm hiểu, lưu trú. Bản văn hóa Him Lam 2, phường Him Lam phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng từ năm 2014. Ngay năm đầu tiên ấy, với sự kiện lớn kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cả bản đón trên 3.000 lượt khách trải nghiệm homestay (ở tại nhà dân). Sau đó, trung bình mỗi năm có 2.000 - 3.000 lượt khách đến bản giao lưu, sử dụng các dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Đây vừa là cơ hội cho các hộ dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vừa là sự khẳng định giá trị của văn hóa truyền thống, làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc và nhận thức về trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nét đẹp cổ truyền của ông, cha. Sự khích lệ đó đã làm cho người dân có động lực, ý thức bảo tồn, truyền nối những nét đẹp của dân tộc cho thế hệ con cháu. Tại bản Noong Chứn, phường Nam Thanh, gia đình ông Lò Văn Phong (chủ nhà hàng ẩm thực dân tộc Văn Phong) tự bỏ tiền thiết kế sân khấu mang đặc trưng dân tộc Thái, nhờ nghệ nhân dàn dựng lại Lễ hội Hạn Khuống và tổ chức diễn xướng Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) - bản trường ca trữ tình của người Thái đen. Những người trực tiếp tham gia biểu diễn, phục dựng chính là người dân, thành viên đội văn nghệ bản. Ông Phong cho biết: Thanh niên bây giờ không còn được tham gia lễ hội này, cũng không biết diễn xướng. Tha thiết với văn hóa truyền thống, gia đình tôi có ý tưởng tổ chức lại các hoạt động này. Ngày diễn ra chương trình, các hộ trong bản đều đến tham gia, chúng tôi như được quay trở lại thời gian nhiều năm về trước. Những hoạt động này không chỉ có ý nghĩa đối với cộng đồng dân tộc bản Noong Chứn mà còn để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách ngoài địa bàn, góp phần thu hút khách đến với bản, với nhà hàng. Xã hội ngày càng phát triển, đô thị mở rộng, cuộc sống cũng hiện đại hơn thì việc làm sao để các dân tộc giữ được bản sắc riêng của mình, hòa nhập nhưng không “hòa tan” càng trở nên khó khăn. Vì vậy, ngày 14/6/2017, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã ban hành Kế hoạch Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025. Mục đích lưu giữ những giá trị di sản văn hóa các dân tộc, góp phần thức đẩy phát triển kinh tế, xã hội nói chung, du lịch nói riêng; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; giáo dục truyền thồng yêu nước, lòng tự hào, sự đoàn kết giữa các dân tộc... Với kế hoạch này, trong giai đoạn 2016 – 2020, 100% dân tộc trên địa bàn sẽ được kiểm kê, đánh giá; 50% số dân tộc có các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn và phát huy; 5 nghệ nhân trở lên được lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, “nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; 95% cán bộ văn hóa cấp xã, phường trở lên là người có thời gian sinh sống lâu dài trên địa bàn, có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống địa phương; hỗ trợ ít nhất 1 nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể… Trong đó bảo tồn, phục dựng và tổ chức duy trì một số di sản văn hóa tiêu tiểu để phát triển du lịch, như: Lễ kin lẩu nó, lễ hội tung còn của người Thái; xên bản, bảo tồn dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Với những mục tiêu cụ thể đã đề ra, cùng nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, mong rằng hình ảnh TP. Điện Biên Phủ hiện đại, giàu bản sắc văn hóa sẽ ngày càng được củng cố, trở nên ấn tượng, có sức hút hơn nữa đối với bạn bè trong nước và quốc tế.