DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 06/09/2017 03:44
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 18/6/2016, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Nghị quyết số 100/NQ-CP). Một trong những thông điệp quan trọng trong Nghị quyết của Chính phủ là xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển”, Chính phủ hoạt động vì mục tiêu phục vụ, lấy nhân dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Theo tinh thần đó, thì việc đề ra đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp. Và ở đây, nhân dân, doanh nghiệp không còn là đối tượng quản lý mà là đối tượng được phục vụ, được tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền dân chủ gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật.
Cụ thể hóa tinh thần xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển" trong xây dựng môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định mang tính nhất quán, như: các Nghị quyết số 19 (năm 2015, 2016, 2017) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 17/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức như qua các hội nghị gặp mặt doanh nghiệp hàng năm, qua hệ thống tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ... http://baodienbienphu.info.vn/uploads/0-Nam2017/Thang%209/1-9/1.3.jpg http://baodienbienphu.info.vn/uploads/0-Nam2017/Thang%209/1-9/1.3.jpg Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư bên lề Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất, năm 2017. Ảnh: Mạnh Thắng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển" đối với việc xây dựng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, đặc biệt là việc chuyển đổi tư duy từ "chính quyền quản lý" sang tư duy "chính quyền phục vụ" trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Xác định mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh theo định hướng đã đề ra là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ dân kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Trong đó phải kể đến là việc cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm; UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện nhất quán và đồng bộ một số chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể, như: Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Điện Biên; Kế hoạch Hành động thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020; Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp... UBND tỉnh đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu, như: Xây dựng, tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; quyết liệt hơn trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự đồng lòng, quyết tâm của các ngành, các cấp, môi trường kinh doanh của tỉnh Điện Biên năm 2016 đã liên tục được cải thiện mạnh mẽ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm đứng đầu của các tỉnh miền núi phía Bắc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng 13 bậc, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 22 bậc, xếp hạng thứ 42/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 2 nghìn tỷ đồng; có 9 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Đặc biệt, đã thực hiện cho chủ trương lập đề xuất đầu tư 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đa số doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, phát huy được tính năng động, sáng tạo hoạt động ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đóng góp của các doanh nghiệp cho ngân sách tỉnh ngày càng tăng, góp phần quan trọng đưa tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2016 đạt trên 1.000 tỷ đồng. Kết quả trên cũng đồng thời phản ánh, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển", UBND tỉnh xác định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là tập trung triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua việc chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Một là: Xây dựng, sắp xếp bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động. Thực hiện tốt phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nhất là người đứng đầu và đội ngũ công chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Chính quyền các cấp phải lấy nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật. Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Điện Biên; Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, trong đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, có liên quan trực tiếp, thường xuyên đến hoạt động của doanh nghiệp. Ba là: Tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quy định có liên quan, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh, như: nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ, công nghiệp khai khoáng, thủy điện...; thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Điện Biên để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động. Bốn là: Đẩy mạnh thực hiên các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đấu tranh, phòng ngừa, xử lý các hành vi tham nhũng; nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm tình hình, phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Tập trung tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường phối hợp, phát huy vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Năm là: Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; có chính sách điều hành hợp lý để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội doanh nghiệp, hội doanh nhân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như trong công tác phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tăng cường công khai minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo, công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý; ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật… tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư. Cùng với xu thế chung của đất nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện có hiệu quả mục tiêu "kiến tạo phát triển" theo thông điệp của Chính phủ. Tin tưởng rằng, công cuộc xây dựng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nhà sẽ đạt được những kết quả thiết thực, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra.
Tác giả: Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh