Tết Mông nơi rẻo cao Điện Biên
BT
2017-01-04T19:45:02-05:00
2017-01-04T19:45:02-05:00
https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/Thong-tin-doi-ngoai/Tet-Mong-noi-reo-cao-Dien-Bien-3191.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
https://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 04/01/2017 03:49
Vào cuối tháng 11 Âm lịch hàng năm, (theo lịch của người Mông là tháng 12), khi mùa màng đã thu hoạch xong, người Mông ở xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên lại nhộn nhịp tổ chức ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ngày tết với quan niệm tiễn đưa năm cũ, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình khỏe mạnh.
Bản Gia Phú A và B có 77 hộ, với 493 nhân khẩu đều là người Mông, mặc dù là bản nghèo ở nơi vùng biên giới nhưng đồng bào người Mông ở đây vẫn luôn giữ gìn bản sắc dân tộc của mình. Ở mỗi nhà, phụ nữ Mông đang khâu những đường chỉ cuối cùng, để hoàn thiện bộ trang phục truyền thống. Những em nhỏ cũng tự tay may trang phục cho mình và mọi người để diện trong những ngày tết. Em Vừ Thị Tổng, Bản Gia Phú, xã Na Tông, huyện Điện Biên chia sẻ: "Sắp đến Tết rồi, là một người phụ nữ trong gia đình may quần áo cho cả gia đình cùng mặc, nhiều người ăn Tết cùng nhau vui vẻ." Ngày 30 tết, các gia đình lại rộn ràng giã bánh dày. Bánh dày được nấu từ gạo nếp nương thơm lừng, dẻo quyện. Bánh dày là thứ không thể thiếu đối với bà con người dân tộc Mông trong những ngày lễ, tết. Nó tượng trưng cho sự tròn trịa, no ấm, đầy đủ. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ngày tết của bà con dân tộc Mông nơi đây luôn vui tươi, rộn ràng. Ông Lầu Chú Sá, Trưởng bản Gia Phú A, xã Na Tông, huyện Điện Biên chia sẻ: "Năm nào chúng tôi cũng tổ chức cho dân được phấn khởi, được ăn Tết và cho dân năm mới phát triển kinh tế." Chiều tối 30 Tết diễn ra nghi lễ quan trọng nhất của bà con người Mông trong những ngày tết. Đồ cúng không thể thiếu của người Mông trong dịp tết là đôi gà trống mái để làm lễ. Sau khi cắt tiết gà bôi lên giấy gió dán giữa trung tâm nhà. Thầy cúng gõ chiêng, đọc lời khấn ở trước cửa nhà, gia chủ dán những tờ giấy gió khắp nơi trong nhà. Với quan niệm mọi vật trong nhà đều có linh hồn, việc dán giấy lên tất cả mọi vật nhằm cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình. Thầy cúng Sùng Chống Só, Bản Sơn Tống, xã Na Tông, huyện Điện Biên cho biết: "Lễ cúng nhằm mục đích xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều không may. Cầu khấn cho một năm mới mọi điều tốt đẹp, gia đình ai cũng khỏe mạnh, trâu bò đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ, vạn vật sinh sôi nảy nở, gia đình phát tài." Sáng sớm ngày mồng 1 của năm mới, trẻ con trong các bản làng tụ tập lại ở những bãi đất trống. Con gái diện trang phục dân tộc ném pa pao, con trai chơi cù quay, thổi khèn, cùng nhau cười nói rộn ràng. Ngày tết cũng là cơ hội để nam nữ thanh niên hát hò giao duyên và tìm hiểu nhau. Ngày Tết của người Mông được diễn ra cho đến ngày mồng 6 của tháng 12.