DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 25/05/2020 23:15
DIC - Quen một thanh niên qua mạng xã hội, ngày nào Lý Thị S. ở bản Chuyên Gia 1, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) cũng được rót vào tai những lời đường mật, S. nảy sinh tình cảm lúc nào không hay. Khi được rủ về thăm nhà ở Lào Cai, S. tỏ ra hơi e dè nhưng đối tượng bảo chỉ đi vài ngày rồi về xin bố mẹ cưới nên S. đã nhận lời. Ngồi sau xe “bạn trai” S. tự thắc mắc đi Lào Cai bằng xe máy thì bao giờ mới đến, mà sao cứ loanh quanh ở khu vực biên giới! Ðể S. yên tâm, gã “bạn trai” giải thích là đi đường tắt cho nhanh. Nhưng đi mãi không tới nhà nên S. đòi quay về, “bạn trai” lại bảo đợi bạn đến đón. Trong lúc hai bên giằng co, tổ tuần tra Ðồn Biên phòng A Pa Chải đã phát hiện, kịp thời giải cứu S. và đưa về địa phương. Qua điều tra của lực lượng chức năng thì địa chỉ mà đối tượng nói dẫn Lý Thị S. về ra mắt bố mẹ hắn ở Lào Cai không có ai tên như vậy. Lúc này S. mới biết mình bị lừa.
/uploads/news/2020_05/111_1.jpg Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn người dân khu vực biên giới nhận biết các thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Ảnh: C.T.V Thào Thị N. (sinh năm 2004), ở xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) cũng là một trong những người bị “bạn trai” lừa bán sang Trung Quốc và phải làm những công việc không mong muốn. Tuy nhiên N. may mắn được lực lượng chức năng Trung Quốc phát hiện và trao trả; N. được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh tiếp nhận và đưa về địa phương trong niềm vui vỡ òa của cha mẹ và người thân. Trường hợp của Lý Thị S. và Thào Thị N. chỉ là hai trong số những nạn nhân bị dụ dỗ bằng tình cảm của các đối tượng mua bán người, và may mắn khi được lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Trên thực tế nhiều nạn nhận đã bị lừa bán sang Trung Quốc mà không hề hay biết, đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Từ năm 2018 đến nay, ngoài những trường hợp được phát hiện và giải cứu kịp thời, BÐBP tỉnh đã tiếp nhận 11 nạn nhân từ lực lượng chức năng Trung Quốc, đa số là những cô gái có tuổi đời còn rất trẻ, từ 16 - 17 tuổi. Ðặc biệt, cũng theo số liệu thống kê của BÐBP tỉnh, từ năm 2018 đến nay có khoảng 155 người trên địa bàn tỉnh vượt biên trái phép sang Trung Quốc và Lào để lao động, làm thuê thời vụ cho các nông trường chè, chuối, cao su… Theo đánh giá thì đây cũng là một trong những nguyên nhân, điều kiện thuận lợi để các đối tượng phạm tội lợi dụng mua bán người. Thượng tá Lò Văn Khánh, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và Tội phạm (BÐBP tỉnh) cho biết: Hoạt động tội phạm mua bán người tại khu vực biên giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Thủ đoạn chính của chúng trong thời gian gần đây là lấy tên, tuổi, địa chỉ giả để lừa gạt những phụ nữ, những cô gái nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết. Nắm được tâm lý của những cô gái trẻ, bọn chúng thường tặng quà: Ðiện thoại, quần áo, giày dép, dây chuyền hoặc rủ đi chơi, tham quan du lịch, hứa hẹn tìm kiếm việc làm nhàn hạ nhưng có thu nhập cao… sau đó đưa nạn nhân lên khu vực biên giới và bán sang Trung Quốc. Nổi lên trong thời gian qua là thủ đoạn sử dụng các trang mạng xã hội facebook, zalo để kết nối, làm quen với các nạn nhân. Thủ phạm thường là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp có tiền án, tiền sự về tội mua bán người. Hiện nay toàn tỉnh có 11 xã biên giới trọng điểm mà các tối tượng mua bán người nhắm tới, đó là: Mường Nhà, Mường Pồn (huyện Ðiện Biên); Mường Mươn (huyện Mường Chà); Si Pa Phìn, Nà Hỳ, Nà Bủng, Nậm Nhừ, Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ); Nậm Kè, Mường Nhé, Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé). Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động tội phạm mua bán người khu vực biên giới, BÐBP tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình và đấu tranh phòng ngừa; bố trí lực lượng cắm chốt ở những địa bàn trọng điểm. Ðồng thời đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu và các đường tiểu ngạch qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào để kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Cùng với đó, các đơn vị BÐBP tỉnh phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn 29 xã biên giới. Trong đó tập trung tuyên truyền nội dung Bộ Luật hình sự, Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng, chống mua bán người; các quy định về phòng, chống các tệ nạn xã hội nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cho người dân./.