DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 06/12/2019 02:17
DIC - Người Cống là 01 trong 05 dân tộc thiểu số ít người của tỉnh Điện Biên. Họ cư trú tại các bản: Púng Bon, Huổi Moi (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên); Nậm Kè (xã Nậm Kè) và Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Mường Nhé) với dân số trên một nghìn người.
Cũng như các dân tộc anh em khác trên địa bàn, người Cống canh tác chủ yếu trên nương rẫy và ruộng nước, ruộng bậc thang, một năm một vụ chính; ngoài ra còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông, suối để phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ tết, lễ, sinh hoạt. Bên cạnh đời sống vật chất, người Cống còn có đời sống tinh thần phong phú thông qua trang phục, các phong tục, tập quán, lễ hội, trong đó Tết Hoa là độc đáo nhất bởi đây là nghi lễ diễn ra trong ngày Tết cổ truyền của người Cống. Tết Hoa đã được được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vào tháng 9 âm lịch hằng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, công việc nương rẫy tạm gác lại để chuẩn bị đón mừng năm mới (người Cống ở giáp biên giới Việt - Lào, dùng theo lịch của người Lào, một năm chỉ có 10 tháng) người dân tộc Cống ở bản Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, lại quây quần cùng nhau vui trong lễ Tết hoa mào gà. Đây là nghi lễ Tết cổ truyền độc đáo đặc trưng nhất của người Cống. Ngày Tết năm nay, bản Huổi Moi được chính quyền xã Pa Thơm đứng ra tổ chức điểm. Ngày Tết được diễn ra trong hai ngày 3-4/12/2019. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ngày Tết, ai ai cũng vô cùng phấn khởi. Theo quan niệm của người Cống, Hoa mào gà được dùng để trang trí và được dùng để làm lễ vật trong nghi thức cúng. Người chủ trì lễ cúng là già làng, người có uy tín được bà con trong bản kính trọng và cũng chính là thầy cúng trong phần lễ.. Trong bài cúng, thầy cúng mời tổ tiên về, thay mặt dân bản báo cáo tình hình mùa màng năm qua; cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thuvà cầu cho mọi sự tốt lành may mắn đến cho bản mường. /uploads/news/2019_12/123.jpg Hoa mào gà được dùng để trang trí trong ngày Tết của người Cống. Các nghi lễ diễn ra trong Tết hoa ngoài yếu tố linh thiêng còn có sự tham gia của các yếu tố nghệ thuật trình diễn dân gian nên cuốn hút cả cộng đồng cùng hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh, các quan thổ thần, thổ địa nơi đồng bào sinh sống đã phù hộ cho họ một năm có sức khỏe và mùa màng tươi tốt, đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới. Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết hoa (Mền loóng phạt ai) chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Trước đây, Lễ diễn ra từ (03-04) ngày, nay rút ngắn lại chỉ còn 01 ngày, 01 đêm. Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt cả bản, cả mường…cùng hân hoan trong điệu xòe, họ cùng hát những làn điệu dân ca truyền thống. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh; với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này. Trong phần hội Tết hoa ở bản Huổi Moi bà con còn tham gia thi các trò chơi như Kéo co, đấy gậy, đi cà kheo, bắn nỏ. /uploads/news/2019_12/1234.jpg Vui múa hát trong Tết Hoa của người Cống. Các nghi lễ Tết hoa kết thúc, thầy cúng lần lượt đi cúng cho từng nhà (mỗi gia đình kết sẵn một vòng hoa mào gà nhỏ đặt vừa đầu người treo trên một chiếc sào gác ngang qua xà gian chính giữa nhà). Thầy cúng thay lời gia chủ kính cẩn trước bàn thờ và khấn cầu cho gia đình. Tết hoa là lễ hội cổ truyền đặc sắc, lâu đời, tiêu biểu, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với xã hội người Cống; phản ánh sinh động đời sống và bản sắc tộc người. Chính vì vậy Tết hoa từ bao đời nay và mãi mãi vẫn là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu được trong đời sống tinh thần mỗi dịp đón mừng năm mới của đồng bào dân tộc Cống.