DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 17/12/2014 12:48
Cảnh mua, bán rượu ở chợ “tình” Vàng Lếch.
ĐBP - Ai đã từng tới xã Nậm Tin đều muốn nán lại đến chủ nhật để cùng bà con dân tộc Mông đi chợ “tình” Vàng Lếch. Nơi đó các bạn không chỉ được chứng kiến nét hoang sơ của phiên chợ vùng cao, những mặt hàng giản đơn nhưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cũng như cảm nhận chữ “tình” đặc biệt ẩn chứa trong cuộc trò chuyện, nụ cười hồn hậu của người dân nơi đây. Lời giới thiệu đầy “ma lực” của cán bộ phòng văn hóa huyện Nậm Pồ khiến chúng tôi kéo dài chuyến công tác hơn để một lần hòa mình vào dòng người xuống chợ - phiên chợ “tình” đặc biệt ở Vàng Lếch.
Chúng tôi thức dậy sau một đêm ngon giấc trong ngôi nhà nhỏ, ấm cúng của anh Hờ A Vàng sống gần khu vực họp chợ. Sương mù đặc quánh bao phủ khắp bản, lạnh tê tái. 7 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại điểm họp chợ - trung tâm bản Vàng Lếch. Cả khu chợ mới có vài chục người đang bày nông sản, hàng hóa đợi khách. Nhớ lại lời dặn của anh Vàng chủ nhà “phiên chợ họp muộn, khoảng 8 – 9 giờ mới bắt đầu đông đúc”, chúng tôi tự tìm cho mình nơi thích hợp để tận hưởng buổi sáng ở vùng cao và háo hức đợi chợ phiên. Chợ “tình” Vàng Lếch thuộc bản Vàng Lếch, xã Nậm Tin vì thế người dân lấy tên bản để đặt tên chợ. Nằm hai bên ven đường đất dẫn vào trung tâm huyện Nậm Pồ, chợ có không gian khá chật hẹp, các gian hàng được bố trí đơn giản không như các khu vực chợ ở trung tâm huyện, thành phố. Bà con mang hàng hóa xuống chợ, chọn chỗ ngồi ưng ý, trải bạt xuống nền đất rồi bày hàng ra bán. Hàng hóa chủ yếu là nông sản địa phương, thổ cẩm, dụng cụ lao động do bà con tự sản xuất. Chợ “tình” Vàng Lếch có từ đầu những năm 2000 và chỉ tổ chức họp từ 8 - 12 giờ trưa ngày chủ nhật hàng tuần, xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của bà con, sau khi có nhiều hộ người Mông từ Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) và một số xã huyện Tủa Chùa về đây khai hoang, lập nghiệp. Sau một tuần lao động vất vả trên nương, mọi người đều tập trung xuống chợ để trao đổi hàng hóa; ngồi lại cùng nhau ôn chuyện quê hương, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, người dân quen gọi là chợ tình. Chữ “tình” ở đây không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình người, tình anh em, tình đồng hương. Khoảng 8 giờ chợ bắt đầu đông người. Từ các bản lân cận, những tốp các cô gái Mông khoác trên mình những bộ váy đặc trưng xúng xính xuống chợ. Dưới chợ, hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi hòa với tiếng trò chuyện, cười đùa rôm rả tạo nên một bức tranh đầy màu sắc. Sôi nổi hơn cả là khu vực bán rượu. Rượu được nấu từ men lá và các loại nông sản do bà con sản xuất nên rất thơm, ngon. Mùi thơm ngào ngạt từ những can rượu ngô, rượu sắn khiến cho các “đấng mày râu” đi qua đều phải dừng chân uống thử một vài chén. Anh Sùng A Chu, người dân xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) cho biết: Gia đình tôi chỉ uống rượu mua ở chợ “tình” Vàng Lếch. Khi có ý định xuống chợ, tôi phải xuất phát từ nhà lúc 6 giờ sáng thì mới kịp. Rượu ở đây, bà con nấu bằng men lá và ngô, sắn nên rất thơm, ngon. Không có điều kiện giống như anh Chu, anh Hờ A Chù, người dân bản Nậm Tin 4 (xã Nậm Tin) phải đi bộ cõng ngô từ sớm tinh mơ xuống chợ bán để lấy tiền mua hàng. Anh Chù cho biết: Vợ và con gái rất thích đi chợ nhưng nhà không có tiền nên cứ chủ nhật hàng tuần cả nhà mình xuống chợ bán ngô lấy tiền để vợ con mua sắm. Hôm nay, mình bán ngô được hơn 300.000 để vợ mua quần áo cho con đi học, mua thức ăn cho cả nhà trong tuần tới. Chợ “tình” Vàng Lếch được họp dựa trên nhu cầu thiết yếu của bà con, song do họp ven đường vào trung tâm huyện nên những ngày họp chợ gây ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ông Hờ A Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tin cho biết: Xã đã kiến nghị với UBND huyện Nậm Pồ quy hoạch chợ vào khu vực phía trong - gần UBND xã để đảm bảo an toàn giao thông.