DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 29/10/2014 17:03
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, đã thu hút được nhiều du khách đến thăm quan, tìm hiểu Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Thu Thủy
DIC - Với địa bàn biên giới như Điện Biên, làm tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ huy động được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội với những vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại, biên giới. Song để người dân có nhận thức đúng đắn về công tác thông tin đối ngoại thì trước hết những người làm công tác tuyên truyền phải hiểu đúng vấn đề để tuyên truyền đúng.
Thực hiện “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020” của Bộ Chính trị và “Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020”, các sở, ban, ngành và cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này. Nhưng xuất phát từ nhận thức, thông tin đối ngoại, đặc biệt là thông tin về chủ quyền biên giới là lĩnh vực nhạy cảm. Việc tuyên truyền không chỉ cần sự chính xác mà còn phải đúng thời điểm nên đôi khi thông tin, tuyên truyền về vấn đề này dừng ở chừng mực nhất định, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng... Do đó, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại chưa cao, người dân chưa thấy được vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác thông tin đối ngoại. Song thực tế, nếu như đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại hiểu đúng, tuyên truyền đúng, chính xác, kịp thời thì sẽ nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân đồng thời tạo được sự đồng thuận của xã hội trong các vấn đề liên quan đến hoạt động đối ngoại. Với địa bàn như Điện Biên, đường biên giới dài lại tiếp giáp hai quốc gia trong khi nhân dân sinh sống khu vực biên giới hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao thì công tác thông tin đối ngoại càng cần phải được quan tâm, tuyên truyền thường xuyên để huy động được sự tham gia của người dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nước ta hiện có 67 đài phát thanh, truyền hình, gần 1.000 tờ báo in, 67 báo điện tử, hơn 300 trang tin điện tử với hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại đến với các tầng lớp nhân dân. Với Điện Biên, các cơ quan thông tấn, báo chí chưa đông đảo như nhiều địa phương khác và đội ngũ nhà báo được cấp thẻ hiện nay chỉ hơn 40 người, song việc tuyên truyền thông tin đối ngoại cũng đã được quan tâm, chú trọng. Cùng với các ấn phẩm báo chí của 2 cơ quan báo chí lớn là Đài PT-TH tỉnh và Báo Điện Biên Phủ thì các tạp san, tờ tin, trang tin điện tử trong tỉnh đã chú trọng chuyển tải thông tin đối ngoại, quảng bá, giới thiệu đất nước, con người địa phương. Đặc biệt, trong hoạt động phổ biến, tuyên truyền thông tin đối ngoại ở địa bàn 29 xã biên giới, chúng ta có thêm đội ngũ cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín và cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng tham gia. Để hoạt động thông tin đối ngoại có hiệu quả thì đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền phải nắm chắc, hiểu đúng về thông tin, nội dung mình phổ biến, tuyên truyền; từ đó có hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Đối với địa bàn biên giới đất liền, thì những nội dung, quy định về Luật Biên giới Quốc gia, về nghĩa vụ, trách nhiệm trong giữ gìn đường biên, cột mốc, phòng chống tội phạm khu vực biên giới… là những vấn đề cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân để bà con nắm rõ, hiểu và phối hợp thực hiện. Với biên giới trên biển, người dân cũng cần được cung cấp những thông tin quy định về chủ quyền, quyền chủ quyền như: Lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… Cùng với đó là thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện các vấn đề chủ quyền biên giới Quốc gia. Khi người dân đã hiểu rõ, có thông tin chính xác, kịp thời thì sẽ tạo được sự đồng thuận, giải tỏa những vướng mắc đối với các vấn đề liên quan đến công tác biên giới; từ đó tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia. Xác định rõ yêu cầu của công tác thông tin đối ngoại, các bộ, ban, ngành và địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo cho các lực lượng nòng cốt. Đặc biệt, với diễn biến phức tạp về tình hình biển Đông thời gian qua, lực lượng làm công tác tuyên truyền đã được thông tin kịp thời, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động thông tin tuyên truyền về biển đảo. Mới đây, Bộ Thông tin – Truyền thông đã tổ chức các cuộc hội thảo, mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong công tác truyền thông về biển đảo. Tham gia những đợt hội thảo, tập huấn như vậy là cơ hội, điều kiện để lực lượng làm công tác tuyên truyền có thêm kiến thức, kỹ năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đó là những hội nghị tập huấn ở quy mô lớn song với mỗi địa phương cũng nên thường xuyên tổ chức tập huấn, thông tin tình hình địa bàn cho lực lượng làm công tác tuyên truyền để đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời. Cùng với thực hiện chương trình hành động về thông tin đối ngoại, hiện nay tỉnh cũng đang triển khai các hoạt động thuộc Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới”. Để thực hiện đạt mục tiêu Đề án, đội ngũ cán bộ cơ sở, trưởng bản các xã biên giới và cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng đã được tham gia tập huấn, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, công tác thông tin đối ngoại sẽ đạt hiệu quả cao, tạo được đồng thuận, huy động sự vào cuộc của nhân dân khi lực lượng tham gia tuyên truyền hiểu đúng, viết đúng và có hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư./.