DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 01/12/2014 12:00
Múa Khèn mông trong lễ hội Tuần Văn hóa du lịch Điện Biên lần thứ 2 năm 2013. Ảnh: Quỳnh Trang
DIC - Tủa Chùa được coi là vùng đất mang đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng 7 dân tộc anh em, như: Mông, Thái, Xạ Phang, Kinh, Khơ Mú, Phù Lá, Dao. Trong đó dân tộc Mông chiếm gần 70% dân số toàn huyện, với 4 ngành Mông, sinh sống tập chủ yếu ở các xã như: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Trung Thu. Văn hóa truyền thống người Mông là một kho tàng phong phú, với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng gắn liền với những con người trọn đời gắn bó với những vùng đất quanh năm sương mù bao phủ. Với đồng bào Mông, cây khèn được coi là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh; thay lời tỏ tình của chàng trai với cô gái và còn là một tài sản tinh thần vô giá. Cuộc sống hôm nay không ít giá trị truyền thống đang dần bị mai một, nhưng với đồng bào Mông ở huyện vùng cao Tủa Chùa. Giá trị chân, thiện, mỹ của cây khèn Mông vẫn được gìn giữ, bảo tồn như chính bản chất, con người Mông gần gũi, chân thành.
Chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện cùng ông Giàng A Sử, bản Huổi Lếch, xã Mường Báng, ông là người đã dành nhiều năm cho chế tác khèn và sưu tầm những điệu khèn truyền thống của dân tộc mình. Ông Sử tâm sự: Thuở nhỏ, trong một lần tình cờ được xem thanh niên trai tráng trong bản biểu diễn những động tác uyển chuyển với chiếc khèn, và như bị hút hồn cùng tiếng khèn da diết. Để thể hiện niềm đam mê và mong muốn giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình, ông đã lặn lội khắp các thôn, bản trên địa bàn huyện để tìm học. Tiếng khèn đối với người Mông dường như có một sức mạnh diệu kỳ, họ dùng tiếng khèn để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình, giúp họ quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống đời thường, đắm mình trong những dòng âm thanh đầy sức quyến rũ để hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Cầm cây khèn do chính tay mình làm, ông Sử giới thiệu với chúng tôi về cấu tạo của chiếc khèn. Nhìn bề ngoài thì trông chiếc khèn được làm khá đơn giản. Thân khèn làm từ 6 ống trúc ghép lại, bó bằng đai rễ cây và xuyên qua bầu gỗ hình bắp chuối làm hộp cộng hưởng. Các ống trúc được ghép thành từng đôi từ nhỏ đến lớn, từ dài đến ngắn theo âm cao thấp. Trong mỗi ống trúc có gắn một lá đồng mỏng để phát ra âm thanh. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc rất nhiều vào việc chỉnh các lá đồng. Năm nay dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, bước chân đã dần chậm, song trong kí ức từ thuở ấu thơ, niềm đam mê theo học làm khèn vẫn luôn hiện hữu trong cơ thể của mình. Ông Sử tâm sự: “Tôi mồ côi cha, mẹ từ nhỏ, cuộc sống vất vả lắm, mỗi khi có lễ hội tôi đều tìm đến để xem múa khèn, muốn mua một cây khèn để thổi nhưng không có tiền”. Mình đã theo các cụ già trong bản học làm khèn từ khi 13-14, sau mấy năm cũng đã làm được khèn, nhưng chất lượng của cây khèn không tốt, phải mất gần 10 năm sau tôi mới làm thành thạo”. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của một dân tộc cần sự nỗ lực và ý thức xây dựng của toàn thể các thành viên trong cộng đồng. Và bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò của những người sẵn có niềm say mê, tận tình và vô tư cống hiến... Ông Thào A Chư, người con đồng bào dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Tủa Chùa chia sẻ: “Mình là người Mông, phải có bản sắc văn hóa riêng, để không hòa lẫn với đồng bào dân tộc khác. Tôi được các cụ cao niên trong dòng họ truyền nghề làm khè, được hướng dẫn những điệu khèn đã trải qua ngàn đời lưu giữ. Giờ tôi phải tiếp tục truyền dạy cho con cháu mình, để con cháu mình biết sử dụng, biết gìn giữ cho đời sau nữa. Cái cây thì phải có gốc. Giữu được khèn có nghĩa là giữ được nguồn cội, cái gốc của mình. Đó là trách nhiệm của một người con dân tộc Mông”. Học thổi khèn thì dễ, nhưng để thổi thành bài, thành điệu, và đặc biệt là những điệu khèn cổ thì không phải ai cũng có thể học được vì có tới hàng ngàn bản nhạc, bài hát truyền qua đời này đến đời khác. Bảo tồn giá trị văn hóa của cây khèn Mông thì không chỉ nói đến người dạy, người học mà còn phải nói đến không gian diễn xướng và công chúng thưởng thức. Bên trong tiếng khèn còn chứa đựng rất nhiều điều lý thú mà chỉ những ai đam mê thực sự mới phát hiện ra. Thổi được khèn và biết múa khèn là một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, công phu, kiên trì. Bởi khi vừa thổi vừa múa đỏi hỏi phải sử dụng nhiều động tác và vô cùng nhuần nhuyễn. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… với tốc độ càng nhanh thì việc múa khèn chứng tỏ càng điêu luyện. Vũ điệu và âm thanh trong múa khèn hòa quyện với nhau giúp cho ta được thưởng thức cùng lúc cả âm lẫn hình. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ khi 12 - 13 tuổi, có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi rèn khí để hơi được sâu, được dài. Cùng với các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác, múa khèn chính là nền nếp gia phong và hệ thống luật tục trong bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Tiếng khèn đã gắn kết những tâm hồn, hòa quyện con người với cảnh vật thiên nhiên, trào dâng niềm hạnh phúc. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cây khèn Mông, được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển vùng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2011, Phòng văn hóa huyện Tủa Chùa đã mở được 01 lớp dạy hát các làn dân ca dân tộc Mông và 01 lớp dạy chế tác và múa khèn Mông. Qua lớp học, con em là đồng bào dân tộc Mông không chỉ biết thêm về lịch sử, giá trị của cây khèn mà còn biết chế tác, thổi khèn, quan trọng hơn đã góp phần vào gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Một ngày đầu đông trong một chuyến công tác tại huyện Tủa Chùa, chúng tôi có dịp quay trở lại xã Sín Chải. Trong tiết trời se lạnh, bên bát rượu ngô còn ấm nóng, được theo dõi chàng trai trẻ Sùng A Vinh đang tỉ mỉ, say sưa học từng âm điệu của khèn do các cụ cao niên của dòng họ Sùng truyền dạy. Tiếng khèn của Sùng A Vinh cất lên cứ dặt dìu, bay bổng. Tôi chợt nhận ra rằng: “Trải qua bao thời gian, thay đổi của cuộc sống, nhưng tình yêu và sự gắn bó của người con trai Mông với cây khèn vẫn vậy. Khèn Mông không chỉ là nhạc cụ thân thiết, gần gũi mà mặc nhiên trở thành biểu trưng cho nét văn hóa trữ tình độc đáo trên rẻo cao Tủa Chùa. Tiếng khèn mông sẽ vẫn dặt dìu, bay bổng như ngàn đời nay vẫn thế trong cộng đồng dân tộc Mông”.