DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 16/10/2019 22:26
Với cộng đồng lớn, gắn kết, chiếm 38% tổng dân số toàn tỉnh, người Thái tạo nên một vùng di sản đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tô đẹp bức tranh sắc màu văn hóa vùng cao Ðiện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung. Tuy nhiên trong thời kỳ hội nhập và phát triển, trước những “làn gió mới” cùng nguy cơ hòa nhập - hòa tan, liệu cộng đồng này có vững chãi, đủ sức che chắn, gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
/uploads/news/2019_10/1_1.jpg Các cô gái dân tộc Thái biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc mình trong “Phiên chợ vùng cao” thuộc Lễ hội Hoa Ban năm 2019. Ảnh: Nguyễn Hiền Nỗi lo thời hội nhập Ðiện Biên hiện có 15/28 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được Nhà nước vinh danh là người dân tộc Thái. Cả đời gìn giữ, mang nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình truyền thụ, giới thiệu khắp trong, ngoài tỉnh, nỗi niềm chung của hầu hết nghệ nhân là không có học trò thực sự tâm huyết, nghiêm túc và học thành tài. Nghệ nhân Lường Văn Mín, 109 tuổi (bản Nà Khuyết, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ) và nghệ nhân Quàng Văn Hom, 75 tuổi (bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên) đều đã cả đời gắn bó với cây pí - nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái. Xưa kia, tiếng pí là thứ để đánh giá một chàng trai và là vật bất ly thân đối với các anh dù lên nương, săn bắn hay đi chơi hội, hẹn hò. Nhưng giờ đây, người biết sử dụng pí trong cộng đồng dân tộc Thái tỉnh ta chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trong suốt mấy chục năm qua, cả 2 nghệ nhân đã chỉ dạy cho không biết bao nhiêu người cách thổi, lấy hơi, luyến láy làm sao cho tiếng pí thật hay nhưng cho đến nay đều chưa có một học trò nào dành thời gian, tâm huyết theo học một cách nghiêm túc, bài bản. Không có học trò sử dụng thuần thục pí, để tâm lưu giữ, ghi chép các điệu pí, bài pí, 2 ông cũng chưa tìm được người truyền nối chế tác pí. Nghệ nhân Quàng Văn Hom, chia sẻ: “Tôi có mấy người con trai nhưng chúng đều bận công việc mưu sinh và không yêu cây pí như mình nên thỉnh thoảng có dịp gì hoặc rảnh rỗi thì tập tành thổi một vài điệu thôi chứ chưa đứa nào chịu học chế tác cả. Người ngoài thì tôi cũng chưa gặp được ai thực sự tha thiết học để có thể truyền nối hết vốn pí mình có”. Nghệ nhân Lường Văn Mín cũng trăn trở: Giờ tôi không còn đủ sức khỏe truyền thụ hay đi biểu diễn pí nữa rồi, không biết còn sống được bao lâu. Các nghệ nhân, người am hiểu về pí khác cũng đều cao tuổi cả. Còn thế hệ trẻ thì không mấy người quan tâm đến nhạc cụ truyền thống, không say mê pí nên tôi lo rằng nếu thế hệ chúng tôi mất đi thì tiếng pí còn ngân mãi được không. Khi nói đến cộng đồng dân tộc Thái, không thể không nhắc đến nhà sàn. Ðây chính là không gian văn hóa tộc người thu nhỏ; là nơi con trai đan lát, đánh tính tẩu, thổi pí; con gái quay tơ, dệt vải, thêu thùa. Nhà sàn cũng là nơi minh chứng cho những mối tình đẹp, tục “chọc sàn” cùng những đêm hẹn hò, tâm tình của các đôi trai gái. Ðấy là hình ảnh, câu chuyện diễn ra trên không gian nhà sàn xưa kia, còn giờ đây, trong xã hội phát triển, mọi thứ đều tiện lợi và diễn ra nhanh, vội, chúng ta hiếm khi được chứng kiến, ngắm nhìn vẻ đẹp ấy. Không chỉ vậy, kiến trúc nhà sàn cũng thay đổi ít nhiều, những chiếc cột, xà, ván thưng bằng gỗ đơn sơ nhưng chắc chắn, cùng hoa văn, họa tiết được chạm khắc độc đáo, đẹp mắt đang có nguy cơ dần thay thế bởi bê tông, mái tôn. Ðiều đáng lo ngại hơn cả là trong các bản làng của người Thái, kể cả các bản văn hóa du lịch, những ngôi nhà xây xuất hiện ngày càng nhiều. Việc xen kẽ nhà sàn - nhà xây làm mất đi cảnh quan đặc trưng của khu quần cư đồng bào dân tộc Thái, mất mỹ quan, giảm sức hút du lịch. Ông Lò Văn Khánh, Trưởng bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên - bản văn hóa du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, thừa nhận: Bản chúng tôi không còn ngôi nhà sàn nào giữ được nguyên vẹn kết cấu cổ truyền như của cha ông. Trong bản cũng có nhiều nhà làm mới, sửa chữa có thay đổi kiểu dáng cho thuận tiện, phù hợp với thực tế, hoặc nhiều nhà xây mới hoàn toàn, mình cũng không can thiệp được. Ngoài những điều kể trên thì một số nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái đã bị mai một. Các nét đẹp mang tính đặc trưng, biểu tượng của dân tộc cũng đứng trước nguy cơ giao thoa, dần mất nếu không được quan tâm gìn giữ như: Trang phục, nghề thủ công, xòe cổ, điệu khắp, tục tằng cẩu… Không đánh mất niềm tin Giao thoa, hòa tan là nỗi lo chung của các dân tộc trong tiến trình hội nhập thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng đối với cộng đồng dân tộc Thái Ðiện Biên, chúng ta có thể đặt niềm tin vào việc trao truyền, gìn giữ vốn cổ bởi còn rất nhiều người tâm huyết, người yêu văn hóa Thái, đặc biệt là có không ít người trẻ tuổi. Cùng với đó là những chương trình, đề án, sự kiện bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Thái đã và đang được triển khai trên địa bàn. Anh Tòng Văn Hân, sinh năm 1972 (bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên), là một trong những người nghiên cứu và am hiểu văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh ta. 47 tuổi không trẻ với một đời người nhưng với các nghệ nhân, những người tham gia bảo tồn văn hóa tại cộng đồng hầu hết đã bước sang độ tuổi “xưa nay hiếm” thì anh Hân thuộc thế hệ trẻ nhất. Anh Tòng Văn Hân chia sẻ: “Vì yêu văn hóa truyền thống dân tộc mình nên tôi tự sưu tầm, tìm hiểu phong tục, tập quán, nét văn hóa dân gian của tổ tiên từ hồi còn thanh niên. Càng đi sâu vào tìm hiểu, tôi càng nhận ra kho tàng văn hóa ngành Thái đen phong phú, đồ sộ và độc đáo, nên say mê học hỏi, nghiên cứu từ lúc nào không hay”. Anh quyết định dành thời gian rong ruổi khắp các bản làng, tập trung nghiên cứu văn hóa dân tộc mình từ năm 2003, đến nay, anh đã sưu tầm, biên dịch và cho xuất bản thành công 12 công trình nghiên cứu về quá trình dựng xây, phát triển bản làng, phương thức canh tác và nền văn hóa tín ngưỡng, sinh hoạt độc đáo của cộng đồng dân tộc Thái, ngành Thái đen. Một số cuốn sách đã được xuất bản như: Quả còn của người Thái đen ở Mường Thanh, Tục thờ cúng tổ tiên của người Thái đen, Văn hóa ẩm thực của người Thái đen ở Ðiện Biên, Văn hóa Chéo của người Thái đen ở Mường Thanh… Không chỉ anh Tòng Văn Hân mà thế hệ người Thái trẻ giờ đây đã, đang nhận ra và tích cực gánh vác trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái là một điển hình. CLB thành lập cuối năm 2017 và đại hội lần thứ nhất vào tháng 4/2018, có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, người cao tuổi nắm giữ vốn văn hóa cổ của dân tộc Thái nhưng cũng có nhiều người thuộc thế hệ 8X, 9X. Chủ nhiệm CLB cũng là một cô giáo cấp 2 trẻ tuổi tên Lò Thị Kim, có tình yêu, tâm huyết với di sản văn hóa Thái. Với sức trẻ của Chủ nhiệm Lò Thị Kim cùng các thành viên có nhiều hoạt động quy mô, tác động lớn đến cộng đồng người Thái trong tỉnh, như: Giao lưu các CLB bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Thái năm 2018 tại Ðiện Biên với sự tham gia của nhiều tỉnh lân cận; Giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; mở các lớp dạy chữ Thái, dạy sử dụng nhạc cụ và hát, múa truyền thống dân tộc Thái… Ngoài ra còn nhiều hoạt động góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Thái được thực hiện, tổ chức đơn lẻ ở nhiều địa bàn trong tỉnh, như: Dạy chữ Thái cổ cho người dân của Trung tâm Học tập cộng đồng phường Na Lay, TX. Mường Lay; dự án “Bảo tồn làn điệu Khắp”, “Bảo tồn tục lệ rừng thiêng dân tộc Thái” tham gia dự thi giải sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh Trường THCS Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ; dạy dân ca, dân vũ, nghề thủ công, thêu thùa, dệt vải dân tộc Thái do phòng văn hóa - thông tin một số huyện, thị xã, thành phố tổ chức… Hơn thế nữa, những năm gần đây, công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc trong tỉnh nói chung và dân tộc Thái nói riêng được quan tâm chỉ đạo, định hướng và triển khai thực hiện. Trong đó có thể kể đến Ðề án Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển KT - XH giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Các hoạt động đang được duy trì như: Nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật dân tộc Thái; quảng bá giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc Thái thông qua các hoạt động triển lãm ảnh, trình diễn thực hành các lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống trong các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và khu vực; đặc là Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II, năm 2019 sắp được tổ chức tại tỉnh Ðiện Biên. Ðồng thời tổ chức truyền dạy tiếng Thái trong các trường học, các trung tâm giáo dục trong toàn tỉnh; phối hợp xây dựng bộ hồ sơ đề cử quốc gia Then Thái và Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Với sự tâm huyết, tham gia tích cực của chính những người con dân tộc Thái, những người yêu văn hóa Thái cùng sự quan tâm của tỉnh nhà, có thể tin tưởng rằng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trên mảnh đất Ðiện Biên sẽ được gìn giữ, truyền nối mãi mãi cho các thế hệ mai sau.