DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 05/12/2014 18:15
Bà Đỗ Thị Tình trao đổi các vi phạm phổ biến trong lĩnh vực báo chí tại Hội nghị toàn quốc tập huấn về công tác kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam 2014
(ICTPress) - Những hành vi vi phạm phạm phổ biến nhất trong lĩnh vực báo chí gần đây là thông tin sai sự thật, giật tít câu view (lượt xem), thông tin dung tục, phản cảm, quảng cáo sai sự thật...
Những hành vi vi phạm phổ biến Bà Đỗ Thị Tình, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị toàn quốc tập huấn về công tác kiểm tra do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 4/12/2014 đã chỉ rõ những nhóm hành vi vi phạm của các cơ quan báo chí thường xảy ra thời gian qua . Trong đó, thông tin sai sự thật là nhóm hành vi phạm vi được kể tên đầu tiên. "Sai phạm về thông tin sai sự thật vô cùng nhiều. Một trong những nguyên do của thông tin sai sự thật là thông tin một chiều, phóng viên chỉ nghe một phía đã vội viết tin bài và tòa soạn đăng rất nhanh. Một nguyên nhân khác là có sự cẩu thả trong khâu viết, biên tập, kiểm duyệt nội dung. Có những sai phạm sơ đẳng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng như viết nhầm "thủ trưởng" thành "thủ tướng", hoặc lấy hình ảnh quân đội nhân dân Trung Hoa để minh họa cho chương trình truyền hình về quân đội nhân dân Việt Nam...", bà Đỗ Thị Tình thông tin rõ. Sai phạm thường gặp thứ hai là giật tít câu view (chủ yếu xảy ra ở các báo điện tử). Kế tiếp là thông tin dung tục, phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục; thông tin về các vấn đề mê tín dị đoan, chưa có kết luận khoa học của cơ quan chức năng. Quảng cáo sai sự thật, không đúng nội dung đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cũng là một trong những hành vi vi phạm khá phổ biến. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã xử lý nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng (chủ yếu xảy ra ở các trang thông tin điện tử). Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sai phạm liên quan đến việc báo chí thông tin không phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến tình đoàn kết dân tộc; hoặc cơ quan báo chí vô tình tiết lộ bí mật của Nhà nước; tổ chức họp báo sai quy định. "Một tháng trở lại đây, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, hoạt động kiểm tra, xử lý các sai phạm của cơ quan báo chí được diễn ra rất quyết liệt và không có vùng cấm. Ngay cả các đài truyền hình lớn như VTV, VOV... hay các cơ quan báo chí thuộc Bộ TT&TT cũng bị xử phạt công khai, nghiêm minh", bà Đỗ Thị Tình nhấn mạnh thêm. Những sai phạm liên quan đến đạo đức người làm báo Trao đổi về khía cạnh sai phạm về nghiệp vụ nhà báo, ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam đã phân tích theo 9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp. Theo đó, các vi phạm liên quan đến các quy định từ điều 3 đến điều 9: Hành nghề trung thực khách quan và tôn trọng sự thật; Sống lành mạnh trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm báo trái pháp luật. Điều này trong thực tế có nhiều dạng vi phạm; Gương mẫu chấp hành pháp luật; Bảo vệ bí mật quốc gia, để lộ bí mật quốc gia mà biểu hiện là nhiều nhà báo, cơ quan báo chí để xảy ra là do muốn có tin "độc". Thực tế đã có những phóng viên bị xử lý pháp luật; Tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ hợp tác đồng nghiệp cũng có những vi phạm nhất nhất là vi phạm bản quyền và cuối cùng là vi phạm quy định giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu chọn lọc các nền văn hóa khác, nhiều nhà báo đã làm tốt về quy định này nhưng cũng làm hỏng ngôn ngữ tiếng Việt rất nhiều, hay vi phạm thuần phong mĩ tục, làm đen tối tâm lý bạn đọc.