DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 29/01/2015 16:40
Toàn cảnh Hội nghị
(Mic.gov.vn) - Sáng ngày 29/1/2015, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Cơ quan chủ quản nhà xuất bản (NXB) năm 2014.
Đến dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT; và ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Tham dự Hội nghị có ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Văn phòng Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Công an; đại diện các đơn vị trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chủ quản NXB, lãnh đạo các NXB trên toàn quốc. /uploads/news/2015_01/20150129-m05-nxb03.jpg Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2014, toàn ngành đã xuất bản được 28.322 ấn phẩm với 368,923 triệu bản. Nội dung và chất lượng sách cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc của nhiều tầng lớp nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 60 năm giải phóng Thủ đô, “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Đặc biệt là việc tuyên truyền sâu rộng Hiến pháp 2013 đến với mọi người dân và chủ quyền biên giới, hải đảo quốc gia; phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, bên cạnh những xuất bản phẩm có nội dung tốt thì vẫn còn nhiều xuất bản phẩm vi phạm về nội dung như: sai về câu chữ, kiến thức cơ bản, lỗi chính tả; sai sót về sự kiện, thời gian, nhân vật lịch sử; nội dung dung tục, phản cảm, phi giáo dục; nhận định, đánh giá về hiện thực xã hội phiến diện, chủ quan… Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chính sách phát triển ngành được tăng cường, nhằm trang bị đầy đủ cơ sở pháp lý và tạo đà phát triển cho hoạt động xuất bản đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/1/2014; Xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định về “Ngày Sách Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014; Triển khai xây dựng, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt “Chương trình Sách Quốc gia giai đoạn 2016 – 2010”; Xây dựng Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013; Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014; Nghị định 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014…. /uploads/news/2015_01/20150129-m03-xb04.jpg Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và đẩy mạnh. Trong năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tiến hành thực hiện Kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong hoạt động xuất bản với 15 cuộc thanh tra các NXB, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; 08 cuộc kiểm tra việc thực hiện xuất bản lịch bloc 2015. Cục cũng đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 đơn vị. Cũng trong năm, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 358 xuất bản phẩm vi phạm của các NXB (trong đó, xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung)… Về công tác chủ quản, nhiều cơ quan chủ quản đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương; làm tốt công tác chỉ đạo thực hiện tôn chỉ, mục đích cho các NXB. Công tác chỉ đạo NXB trực thuộc, xây dựng chiến lược phát triển trung hạn, dài hạn được quan tâm; một số cơ quan chủ quản đã xây dựng cơ chế giám sát, phân công lãnh đạo thường xuyên theo dõi việc tổ chức thực hiện định hướng, giải quyết kịp thời những bức xúc của đơn vị; công tác định hướng kế hoạch xuất bản hàng năm của các cơ quan chủ quản đã dần đi vào nền nếp, chất lượng định hướng – nhất là định hướng thông tin được nâng lên một bước… Tuy nhiên, từ sự nhận thức chưa đúng, chưa tới đã dẫn đến việc không ít cơ quan chủ quản còn lúng túng, thiếu chủ động và linh hoạt trong phương án đầu tư, để NXB loay hoay trong tình trạng thiếu vốn, yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật - đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc NXB đánh mất quyền tự chủ, bị đối tác liên doanh, liên kết chi phối, không kiểm soát được nội dung xuất bản phẩm, để xảy ra những sai sót khá nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội thời gian vừa qua. Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển bền vững trong giai đoạn phát triển mới. Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Năm 2014, cùng với những khó khăn chung của đất nước, ngành xuất bản phải đương đầu với rất nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành và sự phối hợp có hiệu quả của Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Xuất bản Việt Nam, ngành xuất bản có những bước phát triển quan trọng. Với sự quyết tâm cao của cơ quan quản lý Nhà nước đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất bản và hỗ trợ hoạt động xuất bản phát triển. Trong năm qua, các NXB đã nỗ lực phấn đấu để giữ vững sự ổn định và có sự tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, đồng thời phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản của NXB và của ngành. Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh việc chỉ đạo, định hướng của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, sự nỗ lực của các NXB thì trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng không kém phần quan trọng. Thực tế cho thấy, cơ quan chủ quản nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động xuất bản thì NXB sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư có hiệu quả, đúng hướng và có được sự phát triển. Cũng theo Thứ trưởng: Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của mình, Bộ TT&TT đã nhận được sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan chủ quản NXB trong đó, cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản và một số cơ quan chủ quản là các Bộ chuyên ngành khi trực tiếp tham gia cùng Bộ TT&TT xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách cũng như nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của hoạt động xuất bản cũng như của các NXB. Trong năm 2015, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chủ quản NXB sớm chỉ đạo NXB nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển phù hợp với quy định của Luật Xuất bản và Quy hoạch phát triển của ngành, đồng thời đề nghị các cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm sau: Một là, cùng với Luật Xuất bản, thì các quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như Nghị định 195, Thông tư 23… là những văn bản pháp lý quan trọng, tạo định hướng phát triển, tạo tiền đề cho hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật và hội nhập quốc tế như hiện nay. Để đáp ứng cho sự phát triển đi đôi với quản lý một cách tốt nhất thì các cơ quan chủ quản cần đẩy mạnh công tác tổ chức, tuyên truyền, giới thiệu nội dung quy hoạch xuất bản đã được Thủ tướng phê duyệt và các Nghị định, thông tư đã được ban hành, đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, nội dung, quy định nêu trên và giám sát chặt chẽ các hoạt động xuất bản. Hai là, các cơ quan chủ quản cần xác định NXB là bộ phận không thể tách rời trong tổng thể hoạt động của mình để định hướng cho sự phát triển, đầu tư có hiệu quả theo quy định của Luật Xuất bản, chủ động rà soát, đánh giá lại mọi mặt hoạt động của NXB do mình quản lý. Trên cơ sở đó có giải pháp để chấn chỉnh, kiện toàn và có phương án bổ sung, hỗ trợ những điều kiện còn thiếu cho NXB phát triển như: cơ sở vật chất, vốn, nguồn lao động để tạo điều kiện cho việc cấp, đổi giấy phép mới. Ba là, tập trung giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất bản, đặc biệt là việc triển khai cơ chế chính sách của nhà nước đối với hoạt động này. Trước mắt là phối hợp với Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam để đưa ra phương án, giải pháp để triển khai nguồn kinh phí, ngân sách Nhà nước đầu tư hàng năm cho hoạt động xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, tư tưởng… Đồng thời, cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định một số nội dung, đề tài khi có yêu cầu của cơ quan quản lý trước khi xuất bản… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm trong nội dung xuất bản phẩm, làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản phẩm. Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các NXB theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành đối với các NXB, phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ trong việc chỉ đạo xử lý kịp thời những sai phạm của NXB, tránh để tình trạng kéo dài, ảnh hưởng xấu, kém hiệu quả, nhất là trong hoạt động liên kết xuất bản… ./.