“Chiếc bánh ngọt” việc nhẹ lương cao
May mắn hơn rất nhiều người vì đã được lực lượng chức năng giải cứu, song khi nhớ lại chuyện đã xảy ra cách đây hơn 4 năm, chị G. T. A., xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ) vẫn chưa thôi ám ảnh. Ngày ấy, vì tin lời Hờ A Ly (người đàn ông cùng xã) vẽ ra viễn cảnh việc nhẹ, lương cao phía bên kia biên giới. Chẳng mảy may suy nghĩ, chị A. lập tức khăn gói đồ đạc lên xe cùng Hờ A Ly ngược đường lên Lào Cai rồi qua cửa khẩu. “Đối tượng Hờ A Ly nói với tôi rằng anh ta cũng có một người em gái đang lao động bên đó. Công việc thì nhẹ nhàng và thu nhập hàng tháng rất cao. Anh ta cũng cho tôi xem những hình ảnh về cuộc sống giàu sang của em gái. Vì mong muốn sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó nên tôi đã đi theo đối tượng. Chỉ khi sang bên kia, người đàn ông nhận đón tôi về nói rằng tôi đã bị bán cho gã thì mọi chuyện đã quá muộn... Suốt những tháng ngày ở với ông ta, tôi không chỉ bị lạm dụng tình dục, mà còn phải lam lũ làm việc...” - chị G. T. A. bàng hoàng kể lại.
Không chịu được cảnh đọa đầy nơi đất khách quê người, chị G. T. A. đã tìm đủ mọi cách trốn về nhà. Quá trình chạy trốn, may mắn khi đến khu vực biên giới, chị A. được lực lượng chức năng Việt Nam hỗ trợ, làm thủ tục đưa về đoàn tụ cùng gia đình.
Vì nhẹ dạ, cả tin, cách đây một năm, chị L. T. V., trú tại xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) cũng là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Chị V. cho biết: Trước khi quyết định trốn sang Lào làm việc, đối tượng thường xuyên tiếp cận thuyết phục tôi bằng những lời lẽ ngon ngọt, thu nhập hàng tháng từ 25 - 30 triệu đồng. Họ bảo rằng, khi sang Lào, công việc chính của tôi là bán hàng online. Do đó, chỉ cần tôi biết dùng máy tính, điện thoại thông minh là được. Thế nhưng thực tế thì không phải vậy. Khi sang tới nơi, họ thu hết giấy tờ, điện thoại của tôi. Tôi bị ép gọi điện thoại để lừa người Việt mình tham gia các App đầu tư tài chính, tiền ảo, thực hiện nhiệm vụ hưởng hoa hồng… Không làm được thì bị đánh đập hoặc bị bán sang công ty khác. Nếu muốn về thì phải nộp tiền chuộc. Biết mình bị lừa, tôi đã liên hệ gia đình vay 60 triệu đồng để được về. Đây thực sự là bài học mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Chị G. T. A. ở huyện Nậm Pồ và chị L. T. V. ở huyện Mường Ảng là 2 trong số ít những nạn nhân của tội phạm mua bán người may mắn được trở về nhà an toàn. Với các chiêu thức lừa đảo việc nhẹ lương cao, nhiều năm qua, các đối tượng tội phạm đã thực hiện trót lọt nhiều vụ mua bán người qua biên giới. Qua rà soát của cơ quan chức năng, đến nay vẫn còn nhiều phụ nữ, trẻ em ở các bản vùng cao vắng mặt trên địa bàn, chưa xác định chỗ ở. Theo nhận định, đây có thể là những nạn nhân của tội phạm mua bán người xuyên quốc gia.
Quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm
Tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tuy có giảm, song phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng triệt để tận dụng mạng xã hội, sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân vùng cao nhận thức, hiểu biết kém để lôi kéo, dụ dỗ.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội mua bán người, thời gian qua, lực lượng chức năng, trong đó, nòng cốt là Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đấu tranh, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm.
Đơn cử, tháng 6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng Lò Thúy Ngân (SN 1999), trú tại bàn Co Nôm, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, về hành vi mua bán người.
Trước đó, qua công tác bám nắm địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện một đối tượng nữ, trạc gần 30 tuổi, người dân tộc Thái thường xuyên qua lại cửa khẩu có nhiều biểu hiện nghi vấn. Nhận định đây có thể là đường dây liên quan đến tội phạm mua bán người, Chuyên án 524N đã được Công an tỉnh xác lập để tiến hành điều tra, xác minh, đấu tranh với đối tượng.
Sau hơn 1 tháng thu thập chứng cứ, lực lượng chức năng quyết định phá án, bắt giữ thành công đối tượng Lò Thúy Ngân về hành vi mua bán người. Tại cơ quan điều tra, trước những chứng cứ không thể chối cãi, đối tượng Lò Thúy Ngân phải cúi đầu nhận tội. Lò Thúy Ngân khai nhận: Đầu năm 2022, đối tượng quen một người đàn ông Trung Quốc. Người này đã xin cho đối tượng vào làm phiên dịch tiếng Trung cho một công ty tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, tỉnh Bo Kẹo, Lào. Công ty do người Trung Quốc làm chủ. Thực chất, đây là công ty “ma”, chuyên mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài, hoặc giả mạo công ty để tạo các website, ứng dụng lừa đảo trên mạng xã hội.
Bằng sự ranh mãnh của mình, Ngân nhanh chóng lấy được lòng các “ông trùm” trong công ty. Đôi bên thỏa thuận với nhau, nếu Ngân đưa được một người sang làm việc tại công ty thì được nhận ngay 2.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 6 triệu đồng Việt Nam). Thấy miếng mồi béo bở, Ngân thường xuyên trở về Điện Biên, sử dụng các mối quan hệ để tìm kiếm, lôi kéo, dụ dỗ và đưa người Việt Nam sang làm việc tại công ty này. Với những chiêu bài tinh vi, từ tháng 5 - 7/2022, Lò Thúy Ngân đã lừa 14 công dân trên địa bàn huyện Điện Biên sang làm việc cho công ty trên. Tại đây, những công dân bị ép buộc lao động làm việc từ 14 - 17 tiếng một ngày, nếu làm không đủ chỉ tiêu thì phải nhịn ăn, thậm chí còn bị đánh đập và nhốt ở một khu vực riêng biệt.
Tháng 12/2023, Công an tỉnh Điện Biên cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công Chuyên án 1223V, bắt đối tượng Lường Thị Vận (SN 1996), trú tại xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) về hành vi mua bán người. Tại cơ quan công an, Vận khai trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 7/2023, đối tượng đã lừa thành công 9 nạn nhân sang làm việc tại Lào và Myanmar.
Trung tá Lê Ngọc Hoàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Đấu tranh với tội phạm mua bán người là cả một quá trình cam go bởi các đối tượng hoạt động chủ yếu ở bên kia biên giới. Việc xác minh, truy bắt các đối tượng không hề dễ dàng. Song với tinh thần quyết tâm trấn áp, không bỏ sót, bỏ lọt tội phạm, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ, liên hoàn các biện pháp nghiệp vụ nhằm chặn đứng đường dây, tổ chức có hành vi mua bán người, xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã triệt phá 4 chuyên án, bắt giữ, khởi tố 4 đối tượng về hành vi mua bán người; đồng thời giải cứu thành công 17 nạn nhân về đoàn tụ với gia đình.
Lấy phòng ngừa làm chủ đạo
Tội phạm mua, bán người đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Với phương châm: Lấy phòng ngừa làm chủ đạo, thời gian qua, lực lượng chức năng, cấp ủy chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng cao cách nhận diện, phương thức, chiêu bài lừa đảo của đối tượng mua bán người. 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 1.000 buổi tuyên truyền với gần 10.000 lượt người tham gia, trong đó tập trung tuyên truyền tại các huyện vùng sâu, vùng xa, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông...
Tại 2 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, ngoài công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng, các địa phương cũng đang phát huy hiệu quả các mô hình phòng chống tội phạm ngay từ thôn, bản, như: Tổ tự quản, tự phòng, tự bảo vệ; khu dân cư phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; dòng họ bình yên... đồng thời phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhờ đó, vài năm trở lại đây, trên địa bàn 2 huyện không xảy ra tình trạng mua bán người, nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Trung tá Lê Ngọc Hoàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Thực tiễn trong công tác trong đấu tranh với tội phạm mua bán người, cơ quan chức năng xác định đây là loại tội phạm có độ ẩn rất cao, chủ yếu hoạt động trên các địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người. Do vậy, ngoài những nỗ lực của lực lượng chức năng, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm mua bán người thì chủ động tố giác, báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn.
Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn