Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 66 điểm cầu, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch năm 2024; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 59.847 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 61% kế hoạch năm 2024; đóng góp vào GDP của ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt 476.933 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2024 ước khoảng 1.530.528 lao động, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2024 (Nguồn: Bộ TT&TT)
Trong lĩnh vực viễn thông, tính đến tháng 5/2024, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 82,2%, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96,2% kế hoạch năm 2024. Tỷ lệ người sử dụng Internet ước đạt 78,1%, đạt 93% kế hoạch năm 2024. Số thuê bao băng rộng cố định/100 dân đạt 23,5 thuê bao/100 dân, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96% kế hoạch năm 2024.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ một số quan điểm, định hướng về chuyển đổi số, quản trị số, hạ tầng số, về vai trò quyết định của người đứng đầu đối với sự thành công của chuyển đổi số…
Giảm 10 lần công tác báo cáo
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, mỗi năm các Sở Thông tin và Truyền thông phải gửi về Bộ gần 8.000 báo cáo các loại. Chính vì vậy, Bộ đã xây dựng, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu, trong đó các Sở chỉ cần điền vào mẫu báo cáo các số liệu mỗi tháng một lần. Bộ và các đơn vị thuộc Bộ muốn báo cáo lên cấp trên sẽ lấy dữ liệu từ cơ sở dữ liệu này.
Đây là một cải cách quan trọng, giảm 10 lần công tác báo cáo cho cấp dưới, đồng thời có được dữ liệu chính xác phục vụ công tác quản lý nhà nước. Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng phương pháp này cho các đối tượng quản lý của Bộ như các doanh nghiệp, cơ quan báo chí và sau đó sẽ làm phổ cập ra toàn quốc.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối online, báo cáo online, Bộ trưởng chỉ rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai báo cáo trực tuyến, kết nối thẳng vào hệ thống CNTT của các Bộ, ngành và địa phương để lấy số liệu về dịch vụ công trực tuyến.
Trước đây, các tỉnh báo cáo tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình là trên 30%, tuy nhiên, khi đo trực tuyến thì chỉ đạt 17%. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc áp dụng quản trị số để có số liệu tức thời, chính xác.
AI không thay thế con người mà hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn
Về vai trò của trợ lý ảo, của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là AI không thay thế, không vượt quá kiểm soát của con người mà là trợ lý, giúp giải phóng con người khỏi một số việc cũ để tập trung vào những việc mới trong nghề nghiệp, mở rộng nội hàm nghề nghiệp, nâng cái nghề của mình lên một tầm cao hơn.
Các công ty công nghệ sẽ cung cấp hạ tầng lưu trữ và công cụ huấn luyện trợ lý ảo, cá nhân và tổ chức đưa hệ tri thức của mình vào, tập huấn AI và sử dụng. Trong quá trình sử dụng thì xuất hiện tri thức mới và sẽ được cập nhật vào trợ lý ảo. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác ChatGPT. Đối với ChatGPT thì công ty công nghệ làm dữ liệu, còn cách tiếp cận của Việt Nam là công ty công nghệ làm công cụ để giúp khách hàng làm dữ liệu của mình. Với cách này có thể làm trợ lý ảo đến mức từng cá nhân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc quan trọng nhất, quyết định nhất của chuyển đổi số, đó là mọi hoạt động của mọi nhân viên, từ cấp thấp nhất trong một hệ thống, một tổ chức phải được ghi nhận trên môi trường số, nếu không có phần mềm thì phải cập nhật hàng ngày công việc của mình lên môi trường số. Điều này có thể dễ dàng thực hiện được bằng cách hành chính hoá, thể chế hoá, và luật hóa. Sau khi hoàn thành việc này, chuyển đổi số gần như đã xong, đặc biệt là đối với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Công việc còn lại là sử dụng AI để phân tích, đánh giá và đề xuất. Đây là điểm mấu chốt để chuyển đổi số các tổ chức hiệu quả.
Người đứng đầu có vai trò quyết định đối với sự thành công của chuyển đổi số
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong chuyển đổi số, làm thí điểm thành công rồi mới phổ cập. Làm thí điểm thì người đứng đầu chỉ đạo, thí điểm thì cách làm là quan trọng. Làm thí điểm thì phải làm nhanh, làm đến cùng, làm xong, dùng được, có hiệu quả thiết thực. Cấp trên phải khuyến khích, hỗ trợ cấp dưới làm thí điểm. Thí điểm thì phải đặt trọng tâm vào những nơi có thể tạo ra đột phá. Sau thí điểm thành công thì nhanh chóng nhân rộng, phổ cập ra toàn quốc. Giai đoạn phổ cập cần có mục tiêu cụ thể, tiêu chuẩn chất lượng và thời hạn rõ ràng. Đây cũng là giai đoạn đánh giá cán bộ đạt hay không đạt.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, trong đó 70% của quá trình chuyển đổi số là thay đổi và 30% là công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, người đứng đầu có vai trò quyết định đối với sự thành công của chuyển đổi số. Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, làm trực tiếp và thành thạo sử dụng.
Nghiên cứu của McKinsey cho thấy, sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công của chuyển đổi số lên 1,6 - 1,8 lần, và mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu chuyển đổi số có thêm kế hoạch rõ ràng và mục tiêu cụ thể.
Để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, mỗi bộ luật của các ngành, các lĩnh vực cần phải có một chương về hoạt động của bộ ngành, lĩnh vực đó trên môi trường số. Không gian mạng đang ngày càng trở thành không gian hoạt động chính của con người. Đây là không gian mới, nhiều hoạt động mới, nhiều đổi mới sáng tạo đang diễn ra ở đây.
"Hợp tác" là từ khóa quan trọng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, trong thời kỳ chuyển đổi số, từ khóa quan trọng nhất là "hợp tác".
Đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định vì không một doanh nghiệp, tổ chức nào có thể làm hết đổi mới sáng tạo, mà cần có sự hợp tác rộng rãi từ các doanh nghiệp, tổ chức khác. Do đó, các doanh nghiệp lớn cần tập trung tạo ra các nền tảng để hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thể sáng tạo dịch vụ trên đó và thu phí từ những khách hàng này hơn là tự mình phát triển dịch vụ mới. Với cách triển khai như vậy sẽ giúp tăng doanh thu, nâng cao chất lượng và giá trị dịch vụ. Các cơ quan báo chí và nhà xuất bản cũng cần chuyển mình thành nền tảng để mọi người viết báo, xuất bản sách, từ đó nâng mình lên một tầm cao mới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, muốn phát triển kinh tế số phải có hạ tầng số. Hạ tầng số là nền tảng cho mọi sự phát triển nên nền tảng này phải đủ, phải phổ cập cho toàn dân. Theo Bộ trưởng, hạ tầng số Việt Nam bao gồm: hạ tầng viễn thông và Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý - số, hạ tầng chuyển đổi số. Công cuộc lớn nhất của chuyển đổi số là số hóa mọi thứ của thế giới thực, mô phỏng nó, tạo ra ánh xạ 1 - 1, tạo ra sự tương tác giữa thế giới thực và thế giới số, tạo ra một không gian mới cho con người sống, làm việc. Đặc biệt có nhiều việc thực hiện trên môi trường số thì nhanh, toàn diện và hiệu quả hơn so với trong thế giới thực.
Trong chuyển đổi số, khái niệm nghề nghiệp cần được mở rộng, định nghĩa lại vì không gian mạng là một không gian mới. Định nghĩa lại nghề nghiệp, lĩnh vực chính là mở rộng không gian hoạt động của mình. Việc của lãnh đạo một tổ chức, đơn vị chính là định nghĩa lại nghề của mình, mở rộng không gian hoạt động của đơn vị mình.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, một tổ chức muốn đi xa, muốn lớn lên được thành một tổ chức vĩ đại thì phải có tư tưởng, lý luận dẫn lối. Việc nhỏ, việc trung bình, việc không đặc biệt thì không thấy cần có lý luận. Ra quyết định lớn, đặc biệt, khác biệt, độc đáo, chưa ai làm thì sẽ thấy lý luận như một chỗ dựa, như một bộ lọc để ra những quyết định loại này.
Nguồn tin: vtv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn