DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 24/01/2013 21:57
Đại diện các ISP cho rằng gắn hoàn toàn việc quản lý đại lý Internet hay điểm cung cấp dịch vụ game online cho các doanh nghiệp cung cấp Internet là không hợp lý. Ảnh: Internet
DIC - Theo Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt hành chính lĩnh vực BCVT, CNTT và tần số VTĐ, các ISP nếu không chấm dứt đường truyền Internet theo giờ quy định đối với các đại lý Internet, game online sẽ bị phạt tối đa 50 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu các đại lý Internet hoạt động trong khoảng thời gian từ 0 giờ đến 8 giờ sáng và đại lý game online hoạt động từ 22 giờ cho đến 8 giờ sáng hôm sau cũng sẽ bị phạt tối đa 10 triệu đồng. Mức phạt tối đa 10 triệu đồng đối với các đại lý Internet cũng sẽ được áp dụng cho các hành vi như sử dụng đường truyền thuê bao để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet hay để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung cờ bạc, đồi trụy, mê tín dị đoan hay các hành vi nói xấu Đảng và Nhà nước... Còn đối với các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, số tiền phạt sẽ lên tới 20 triệu đồng nếu vi phạm các hành vi bao gồm: điểm cung cấp dịch vụ nằm trong bán kính dưới 200m của các trường tiểu học, THCS, THPT; không treo biển "Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng"; hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày; không có đủ ánh sáng hoặc độ chiếu sáng không đồng đều trong phòng máy; tổng diện tích các phòng máy nhỏ hơn 50m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III... Người chơi trò chơi điện tử công cộng cũng sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng nếu chơi các trò chơi chưa được cấp phép hoặc chưa đăng ký theo quy định hay không chấp hành quy định quản lý giờ chơi, quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng... Trước đó, tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định 97 mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng thay thế Nghị định 97 cũ tổ chức vào tháng 4/2012, đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đều cho rằng gắn hoàn toàn việc quản lý đại lý Internet hay điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là không hợp lý. Lý giải cho vấn đề này, ông Phó Đức Kiên, Giám đốc kỹ thuật của CMC TI cho rằng, các đại lý có thể thay đổi đường truyền, nhà cung cấp dịch vụ trong một thời gian ngắn. Mặc dù trong dự thảo Nghị định không yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đường truyền cắt dịch vụ sau 22 giờ đối với các đại lý nhưng không loại trừ khả năng khi các địa phương triển khai sẽ có văn bản đối với các nhà cung cấp Internet. Điều này dễ dẫn đến mỗi địa phương sẽ yêu cầu cắt theo một giờ khác nhau và làm khó cho các nhà cung cấp Internet trong việc quản lý, thực hiện trên hệ thống. “Các nhà cung cấp game đều nắm được địa chỉ IP của các đại lý nên việc dừng cung cấp sẽ dễ dàng hơn là yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đường truyền”, ông Kiên kết luận. Còn theo đại diện VDC (VNPT), về việc cắt đường truyền đại lý Internet sau 22 giờ, các nhà cung cấp dịch vụ Internet hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều đại lý “lách luật” bằng cách sử dụng hợp đồng cá nhân và đến khi địa phương đi kiểm tra mới phát hiện ra, xử lý. Tuy nhiên, lực lượng của các Sở TT&TT địa phương mỏng mà phải làm rất nhiều đầu việc. “Cách quản lý tốt nhất là sau 22 giờ, các nhà cung cấp game nên có công cụ khóa việc cung cấp game cho các đại lý, sẽ tốt hơn bắt các nhà cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền đại lý”, vị đại diện VDC cho biết thêm. Cùng quan điểm, đại diện Viettel khẳng định nên chặn từ các nhà cung cấp game thay vì yêu cầu doanh nghiệp cung cấp Internet ngừng đường truyền vì “như thế sẽ cắt đi quyền sử dụng Internet của đại lý cho nhu cầu cá nhân sau 22 giờ”.