DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttps://stttt.dienbien.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 13/01/2016 22:09
Sen Thượng là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé. Xã có đường biên giới tiếp giáp với nước láng giềng Trung Quốc dài 21,361km, gồm 8 mốc quốc giới (từ mốc 9 đến mốc 16). Xã có 6 bản, 184 hộ với 894 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Hà Nhì (chiếm 99%). Nơi đây, đời sống của người dân Hà Nhì còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tình trạng di dịch cư tự do, vượt biên trái phép, buôn bán ma túy qua biên giới… còn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp.
Vượt lên những khó khăn ấy, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Sen Thượng đã thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp cùng với địa phương quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia gắn với công tác xây dựng địa bàn cơ sở. Đồn đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã, tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả theo tinh thần Quy chế Phối hợp 168/QCPH ngày 12/12/2013 giữa Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh với huyện Mường Nhé. Để cụ thể hoá Quy chế đó, Đồn biên phòng Sen Thượng cũng đã ký kết Quy chế Phối hợp với xã Sen Thượng để làm tốt công tác bảo vệ đường biên, mốc giới, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương... Do thực hiện tốt phong trào xây dựng biên phòng toàn dân gắn với xây dựng nền quốc phòng và an ninh nhân dân khu vực biên giới, nhiều năm qua đã góp phần xây dựng Đồn vững mạnh toàn diện ở nơi biên giới cực Tây của Tổ quốc. /uploads/news/2016_01/ts-2765-8.jpg Chiến sỹ Đồn biên phòng Sen Thượng thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới (Ảnh: Phạm Quang). Với phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, trọng dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Sen Thượng đã nhiều lần cùng với xã tổ chức các hội nghị, các buổi tọa đàm, mạn đàm để trao đổi thông tin, bàn bạc và thống nhất các biện pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên khu vực biên giới. Trong đó, trọng tâm là tập trung lãnh đạo hoàn thành tốt việc quản lý đường biên, mốc giới, phối hợp với lực lượng chức năng địa phương cùng Đồn biên phòng đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, không để xảy ra điểm nóng, tăng cường đoàn kết các dân tộc, củng cố thế trận lòng dân, để nhân dân hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để cho kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, xúi giục làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự khu vực biên giới trên địa bàn xã. Ông Toán Hừ Tư, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sen Thượng, cho biết: “Đồn biên phòng Sen Thượng đã thường xuyên tăng cường, cử cán bộ, chiến sỹ xuống các bản để làm công tác vận động quần chúng, thực hiện "bốn cùng" với bà con dân tộc Hà Nhì chúng tôi, do vậy mọi người dân từ người già đến trẻ em trong các bản ai cũng yêu quý và biết ơn bộ đội biên phòng. Lòng dân chúng tôi ở đây, ai cũng muốn góp công, góp sức để cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới quốc gia”. Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ của Đồn còn hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới đối với các loại cây trồng, vật nuôi vào các mô hình sản xuất của địa phương như: Nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - ruộng – rừng, kinh tế trang trại; vận động và giúp nhân dân khai hoang ruộng nước; xây dựng điểm sáng văn hóa trên địa bàn dân cư, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí... Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả ấy, Đồn biên phòng Sen Thượng đã xây dựng được niềm tin vững chắc đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn. Đến nay, bộ đội biên phòng đã vận động được các bản giáp biên giới Việt - Trung là: Long San, Tả Long San, Lỳ Mà Tá ký cam kết tự quản đường biên, cột mốc. Các trưởng, phó bản và các hộ sau khi ký cam kết, đều được bộ đội biên phòng đưa lên thực địa để phát quang cột mốc, được giới thiệu vị trí, lịch sử đường biên, dấu hiệu mốc giới để bà con nắm chắc, để qua đó kịp thời thông báo khi có dấu hiệu bất thường về đường biên, cột mốc với trưởng bản, chính quyền địa phương và Đồn biên phòng. Thượng tá Lê Ngọc Thành, Đồn trưởng Đồn biên phòng Sen Thượng cho biết: “Để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý đường biên mốc giới, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới thì ngoài việc bám cơ sở, vận động quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới, còn phải biết phát huy vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền an ninh biên giới. Nơi đây, đồng bào dân tộc vùng biên giới đời sống còn nhiều khó khăn, dân trí còn hạn chế, do vậy muốn để bà con tin, nghe và làm theo thì còn phải giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con”. Từ phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”; sự tích cực, chủ động của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Sen Thượng, nhân dân khu vực biên giới nắm rõ nội dung 3 Nghị định thư: Hiệp định về phân giới cắm mốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được ký kết ngày 18/11/2009. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới; nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.